Kinh tế vĩ mô có dấu hiệu hồi phục
Đối với các chỉ số chính, ADO dự báo tăng trưởng GDP 2014 sẽ tăng nhẹ, đạt mức 5,6% và tiếp tục tăng lên 5,8% trong năm 2015 cùng với sự phục hồi kinh tế ở Hoa Kỳ, khu vực đồng euro và các bước tiến trong việc khắc phục những yếu kém trong hệ thống ngân hàng nội địa. Lạm phát được kỳ vọng giữ ở mức bình quân 6,2% trong năm 2014, với giả định sản lượng lương thực tương đối ổn định, Chính phủ áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế ở mức vừa phải, tiền đồng được điều chỉnh tỷ giá nhẹ. Lạm phát được dự báo sẽ ở mức bình quân 6,6% trong năm 2015, khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn.
Cũng ngày hôm qua, Ngân hàng HSBC Việt Nam phối hợp với Công ty Markit Economics công bố Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 3/2014. Báo cáo nhận định, tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã lấy lại động lực vào giai đoạn cuối quý I/2014. Cả sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng với tốc độ nhanh hơn so với tháng trước và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng trở lại.
“Chỉ số PMI tăng lên 51,3 điểm trong tháng 3 phản ánh thành tích ấn tượng của Việt Nam về xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu đi các đối tác trong khu vực, nơi mà tình trạng đình trệ của Trung Quốc đã làm giảm nhu cầu. Chúng tôi kỳ vọng, lĩnh vực sản xuất tiếp tục được hưởng lợi từ tăng đầu tư nước ngoài vào sản xuất, chi phí đầu vào giảm và nhu cầu ở các nước phương Tây được cải thiện”, bà Trinh Nguyen, chuyên viên kinh tế Ngân hàng HSBC nói.
Trong khi đó, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định, tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục chiều hướng tích cực nhờ vào một số biện pháp mà Chính phủ đưa ra nhằm giảm nhẹ rủi ro trong khu vực ngân hàng.
Còn nhiều thách thức
Ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế của ADB tại Việt Nam, tác giả chính của Chương Việt Nam trong ADO nêu rõ, khả năng đưa nền kinh tế trở lại tốc độ tăng trưởng cao của những năm trước bị hạn chế bởi tiến độ thận trọng của cải cách hệ thống ngân hàng và DNNN. Sau một năm trì hoãn, các chuẩn mực mới về phân loại nợ và dự phòng nhằm tiệm cận các chuẩn mực quốc tế sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 6/2014. Tuy nhiên, các chuẩn mực mới ban hành lại không yêu cầu cao như dự định ban đầu, và sự chậm trễ tiếp theo ảnh hưởng đến một số biện pháp quan trọng như yêu cầu điều chỉnh phân loại nợ dựa trên các dữ liệu từ trung tâm thông tin tín dụng.
Liên quan đến câu chuyện tăng trưởng tín dụng, ông Dominic cho rằng, tăng trưởng tín dụng bị kìm hãm do sự không chắc chắn về tình trạng nợ xấu, tốc độ cải cách ngân hàng chậm chạp, nhưng quan trọng nhất là cầu tín dụng yếu ớt chứ không phải là phía cung. Chính sách tiền tệ còn rất ít dư địa trong khi các ngân hàng vẫn đang khó khăn trong việc tìm kiếm nhu cầu tín dụng có chất lượng tốt.
Bà Trinh Nguyen nhận định: “Tình trạng giảm việc làm và mức tăng chi phí đầu vào phản ánh những nút thắt của nền kinh tế: một sự mất cân xứng giữa nhu cầu và nguồn cung lao động có kỹ năng và tốc độ cải cách lĩnh vực tài chính còn chậm chạp, từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng”.
Thách thức lâu dài mà Việt Nam đã, đang và tiếp tục phải đối mặt là chất lượng của hạ tầng cơ sở tụt hậu so với phần lớn các nền kinh tế Đông Nam Á. Việt Nam cần khoảng 170 tỷ USD đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật như điện, cấp thoát nước, giao thông trong giai đoạn 2011-2020. Ngân sách và nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ước tính chỉ đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu này. Chi đầu tư của Chính phủ bị hạn chế bởi tình trạng thâm hụt ngân sách triền miên - trong giai đoạn 2010 - 2013 thâm hụt ngân sách bình quân khoảng 5% GDP.
“Bên cạnh đó, cho đến nay, đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng còn rất hạn chế do khung pháp lý hiện hành không đủ hấp dẫn để tạo điều kiện cho các giao dịch hợp tác công - tư (PPP). Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cũng đã thiết lập cách làm riêng của mình trong các dự án BOT, nhưng những cách làm đó lại không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Phần lớn các dự án kiểu này không được trao thầu thông qua đấu thầu cạnh tranh”, ông Dominic nhấn mạnh.
ADO cũng chỉ rõ, đối với việc cải cách DNNN, Chính phủ đặt ra mục tiêu cổ phần hóa 432 DNNN trong giai đoạn 2014 - 2015 có vẻ tham vọng, vì trong giai đoạn 2011 - 2013 chỉ có 99 DNNN được cổ phần hóa. TTCK trong nước đã tăng và đẩy chỉ số giá cổ phiếu tăng 30% trong khoảng thời gian từ tháng 8/2013 - 3/2014. Nhưng tổng mức vốn hóa của TTCK vẫn còn khá nhỏ so với lượng vốn cần thiết để đảm bảo sự thành công của chương trình cổ phần hóa.