Nỗ lực trở lại
Đại dịch Covid-19 được ví như cơn bão, khi bão qua đi, nhiều cây đại thụ bị đổ xô. Những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tiêu dùng, dịch vụ, giải trí, du lịch, hàng không, bất động sản, xây dựng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Hậu Covid-19, khó khăn vẫn đeo bám nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang nỗ lực trở lại bằng nhiều biện pháp, kết nối khách hàng, tìm việc làm, tối ưu chi phí…, khiến khó khăn dần ở lại phía sau.
Đơn cử, năm 2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) lỗ hơn 1.110 tỷ đồng. Bước sang năm 2024, với quyết tâm khôi phục lại vị thế, HBC đã có nhiều biện pháp mạnh từ tái cấu trúc công ty đến xử lý các vấn đề về dòng tiền, giúp kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm đều có lãi, nhất là khi có sự đóng góp của khoản lợi nhuận từ hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và việc hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, HBC đạt doanh thu 3.810,8 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận sau thuế 740,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 713,2 tỷ đồng.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị HBC cho biết: “Giữa bão tố, người Hòa Bình xoay trở, tái cấu trúc công ty, tìm nguồn tài chính để đầu tư. Bằng những nỗ lực vượt bậc của mình cùng sự trợ giúp của rất nhiều bè bạn, đối tác, khách hàng, Hoà Bình đã vượt qua giai đoạn cực kỳ nguy nan đó”.
Thực tế, phục hồi là từ khóa được nhiều doanh nghiệp nhắc đến khi đề cập đến bức tranh kinh doanh năm 2024.
Công ty cổ phần Đầu tư - Dệt may - Thương mại Thành Công (mã TCM) kinh doanh trong ngành dệt may, một lĩnh vực đối mặt với nhiều khó khăn khi sức cầu tiêu dùng trên toàn cầu sụt giảm trước ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lạm phát cao trong năm 2023. Từ đầu năm 2024 đến nay, xuất khẩu dệt may dần tăng trưởng trở lại, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành như TCM khả quan hơn.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu công ty mẹ TCM đạt hơn 64 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 47% kế hoạch cả năm; lợi nhuận sau thuế đạt 5.842.524 USD, tăng 29% so với cùng kỳ và hoàn thành 85% kế hoạch cả năm. Doanh thu dệt may của TCM đến từ 3 mảng chính, sản phẩm may chiếm 74%, vải chiếm 14% và sợi chiếm 8%. Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý III/2024 và khoảng 86% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý IV/2024.
Lợi nhuận tăng cao
Có chiến lược linh hoạt, ứng biến nhanh, nên không ít doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận cao trong nửa đầu năm 2024.
Có chiến lược linh hoạt, ứng biến nhanh, nên không ít doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận cao trong nửa đầu năm 2024.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (mã LAS) sớm dự đoán được tình hình giá nguyên liệu biến động mạnh nên chủ động thu mua được những lô hàng với giá hợp lý, nhất là sản phẩm lưu huỳnh, kali, giúp tỷ trọng giá vốn trên doanh thu giảm. Ngoài ra, LAS đã đấu giá thanh lý thành công dây chuyền sản xuất axit, mang về thêm khoản lợi nhuận khác 6,5 tỷ đồng. Nhờ đó, trong quý II/2024, Công ty đạt 67,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp đôi cùng kỳ năm 2023, dù doanh thu giảm 30%, xuống 605 tỷ đồng (giá vốn giảm sâu hơn, với mức giảm 42%, còn 430 tỷ đồng).
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, LAS đạt doanh thu 2.049 tỷ đồng, giảm 2%, nhưng giá vốn giảm, doanh thu tài chính tăng mạnh (tăng 440%, lên 17 tỷ đồng) và chi phí tài chính giảm 45%, nên lợi nhuận sau thuế tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 120 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác trong ngành phân bón ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh là Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (mã BFC). Trong quý II/2024, BFC ước đạt sản lượng tiêu thụ 223.269 tấn, tăng 38,5%; doanh thu 2.968,4 tỷ đồng, tăng 25,4%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 231,9 tỷ đồng, tăng 184,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế nửa đầu năm 2024, BFC đạt sản lượng tiêu thụ 365.590 tấn, tăng 52,5%; doanh thu 4.941,7 tỷ đồng, tăng 32,3% và hoàn thành 69,2% kế hoạch cả năm (hơn 7.137 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế hợp nhất 322,9 tỷ đồng, tăng 672,7% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 53,8% kế hoạch cả năm (210 tỷ đồng).
Quý III/2024, BFC đặt mục tiêu đạt sản lượng tiêu thụ 135.090 tấn, doanh thu 1.695 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế riêng công ty mẹ 35 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 46 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ đều phục hồi mạnh.
Tình hình xuất khẩu khả quan đã mang lại bức tranh kinh doanh tăng trưởng cho doanh nghiệp thủy sản như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) đạt doanh thu 6.062 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm cá tra tăng 10,4%, sản phẩm từ gạo tăng 137%, collagen & gelatin tăng 31,7%, sản phẩm giá trị gia tăng tăng 16,7%. Mục tiêu cả năm của Công ty là đạt doanh thu 10.700 - 11.500 tỷ đồng.
Theo các doanh nghiệp thủy sản, hoạt động xuất khẩu sẽ tích cực hơn trong 6 tháng cuối năm 2024 do nhu cầu thường gia tăng dịp lễ, Tết. Đặc biệt, các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, không kháng sinh dự kiến ngày càng được ưa chuộng. Về triển vọng xuất khẩu cá tra, VASEP dự báo, giá cá tra xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng từ 5 - 10% trong nửa cuối năm nay, với động lực chủ yếu đến từ thị trường Mỹ.
Kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm 2024 được kỳ vọng sẽ tạo đà cho các doanh nghiệp bứt phá trong nửa cuối năm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam lưu ý, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay đã nhận đủ đơn hàng cho quý III, nhưng đơn hàng quý IV chưa nhiều. Một số thị trường lớn rơi vào tình trạng giảm phát, lượng đơn hàng chưa thấy có dấu hiệu tích cực. Đà tăng trưởng của các doanh nghiệp trong quý IV có thể chậm hơn.
“Lạm phát các quốc gia đang giảm phản ánh sức cầu tiêu thụ yếu đi. Xuất khẩu, đơn hàng trở lại, nhưng giá bán chưa phục hồi. Tăng trưởng bền vững hay không cần nhìn vào kết quả quý IV”, ông Minh nói.