Dầu khí phá kỷ lục
Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí Việt Nam (PVTrans, mã chứng khoán PVT) đã về đích kinh doanh trước 3 tháng so với kế hoạch. Cả năm 2022, PVTrans ước đạt 9.150 tỷ đồng doanh thu, bằng 141% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế 1.094 tỷ đồng, bằng 228% kế hoạch.
Tổng giám đốc PVTrans Nguyễn Duyên Hiếu cho biết, trước thềm tuổi 20, PVTrans ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc, phá kỷ lục đã lập ra trước đó, đồng thời tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu tại thị trường vận tải biển trong nước, tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển mới trong tương lai.
Trong bối cảnh giá dầu biến động liên tục do bất ổn kinh tế và địa chính trị trên thế giới, PVTrans bứt phá nhờ có sự chuẩn bị tốt từ trước, nỗ lực hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác hai tàu chở dầu/hóa chất có trọng tải 13.000 DWT, hai tàu chở dầu/hóa chất trọng tải 20.000 DWT, một tàu chở hàng rời Supramax và một sà lan chở hàng rời trọng tải 10.000 DWT.
Ngoài ra, PVTrans đã ký hợp đồng thuê tàu trần (bareboat) và đưa vào khai thác một tàu chở dầu/hóa chất 20.000 DWT, một tàu chở LPG 5.000 CBM và một tàu chở hàng rời Handysize; bán/thanh lý thu hồi vốn một số tàu già như tàu PVT Athena, Song Hau.
Theo lãnh đạo PVTrans, quy mô và chất lượng tài sản ngày càng cải thiện sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Một doanh nghiệp khác trong “họ” dầu khí là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL, mã chứng khoán OIL) vừa công bố, lần đầu tiên doanh thu hợp nhất vượt mốc 100.000 tỷ đồng, hoàn thành 223% kế hoạch năm 2022. Lợi nhuận trước thuế của PVOIL ước đạt 763 tỷ đồng, hoàn thành 153% kế hoạch năm. Mặc dù chịu tổn thất không nhỏ trong quý III/2022 khi giá dầu giảm sâu và nguồn cung khan hiếm, nhưng Tổng công ty vẫn đảm bảo bán hàng liên tục, ổn định.
Ông Đoàn Văn Nhuộm, Tổng giám đốc PVOIL cho hay, có được kết quả nổi bật như vậy nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể người lao động. Năm 2023, PVOIL sẽ tiếp tục cố gắng thực hiện một cách tốt nhất các nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh được giao.
Theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, năm 2023, các doanh nghiệp phân phối xăng dầu sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan nhờ hai yếu tố chủ lực. Thứ nhất, giá dầu thế giới dự kiến có diễn biến ổn định hơn, giúp giảm thiểu rủi ro trích lập giảm giá hàng tồn kho. Thứ hai, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép là 5,5%/năm trong giai đoạn 2022 - 2030.
Ngoài ra, các doanh nghiệp phân phối lớn như Petrolimex, PVOIL có thể có thêm thị phần khi không ít doanh nghiệp nhỏ rời bỏ thị trường trong năm 2022.
Các vấn đề về tài chính của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đang dần được xử lý có thể là tiền đề để nhà máy này đi vào hoạt động ổn định trong những năm tới, góp phần giúp tăng tỷ trọng nguồn cung nội địa và giảm áp lực chi phí nhập khẩu cho các doanh nghiệp phân phối xăng dầu.
Đối với Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR), Tổng giám đốc Bùi Ngọc Dương chia sẻ, Công ty đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh đề ra cho năm 2022. Trong đó, sản lượng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt 6.499.087 tấn, về đích sớm 23 ngày; doanh thu ước đạt 165.500 tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế khoảng 12.176 tỷ đồng, gấp 9,4 lần kế hoạch.
Linh hoạt tăng tốc dù thị trường “quay xe”
Một số ngành gặp khó khăn trong quý cuối năm 2022, nhưng trước đó có diễn biến khởi sắc, giúp doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm.
Trong một số ngành khác, mặc dù thị trường “quay xe” trong 3 tháng cuối năm 2022, doanh số sụt giảm, nhưng bằng các biện pháp linh hoạt, không ít doanh nghiệp vẫn hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm.
Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã chứng khoán HAX) cho biết, mọi năm, quý IV là mùa cao điểm kinh doanh ô tô, nhưng chưa khi nào ông thấy phân khúc xe sang bị người tiêu dùng quay lưng như năm 2022, thị trường lao dốc không phanh.
Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2022, Haxaco lãi lớn, nên sự sụt giảm của thị trường trong 3 tháng cuối năm không ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Thậm chí, Haxaco có lợi nhuận từ các mảng khác như đầu tư tài chính, cho thuê xe, sửa chữa…, góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho Công ty.
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Haxaco là 212 tỷ đồng, nhưng tính đến hết tháng 9, Công ty đã đạt 247 tỷ đồng lợi nhuận. Con số lợi nhuận cả năm 2022 được Chủ tịch Haxaco ước tính đạt 300 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư - Dệt may - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã chứng khoán TCM) ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, dù thị trường xuất khẩu dệt may 3 tháng cuối năm 2022 gặp khó khăn vì nhu cầu sụt giảm, nhất là thị trường Mỹ và châu Âu. Tính đến hết tháng 11/2022, doanh nghiệp đã hoàn thành 96% kế hoạch doanh thu và 99% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Cụ thể, Dệt may Thành Công cho hay, 11 tháng đầu năm 2022, Công ty ước đạt doanh thu 170.277.000 USD, tăng 23% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 10.641.000 USD, tăng 109% so với cùng kỳ.
Sự linh hoạt và đa dạng thị trường xuất khẩu, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào là yếu tố giúp Dệt may Thành Công vượt qua khó khăn. Tính đến giữa tháng 12/2022, Công ty đã nhận phần lớn đơn hàng cho quý I/2023 và bắt đầu lên kế hoạch cho đơn hàng quý II/2023.
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Dabaco, mã chứng khoán DBC) chia sẻ, Dabaco đang nỗ lực thực hiện kế hoạch 5 năm 2020 - 2025, đạt doanh thu trên 1 tỷ USD, tương đương 25.000 - 30.000 tỷ đồng. Công ty tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực cốt lõi gồm các nhà máy thức ăn chăn nuôi, các khu chăn nuôi công nghệ cao tại Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Phước, Phú Thọ…, các dự án chế biến sâu mặt hàng nông sản, thực phẩm. Các mục tiêu kinh doanh dựa trên đà tăng trưởng từ nội lực của Dabaco và triển vọng thị trường. Tháng 12/2022, Dabaco đã đẩy mạnh hợp tác với bang Saskatchewan, Canada trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi và lương thực, thực phẩm.
Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã chứng khoán DGW) cũng hướng tới tầm nhìn doanh nghiệp tỷ USD, cùng mục tiêu giữ đà tăng trưởng 25%/năm, dù thị trường bán lẻ gặp nhiều thách thức. Theo Digiworld, Công ty sẽ phát triển theo chiều ngang, thêm nhiều mặt hàng mới bên cạnh những mặt hàng cũ, phát triển thêm ngành hàng trong lĩnh vực F&B, thiết bị công nghiệp, thiết bị gia dụng.