Tại CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS Việt Nam), ông Trương Hiền Phương, Giám đốc KIS Việt Nam, chi nhánh TP. HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, có khá nhiều nhà đầu tư (gồm cả nội và ngoại) đã mở tài khoản tại KIS Việt Nam, số lượng tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước, phần lớn là các nhà đầu tư cá nhân. Theo ghi nhận của KIS Việt Nam, hầu hết các nhà đầu tư ngoại đều tăng thêm vốn và giải ngân nhiều hơn so với năm trước.
Với CTCK MayBank Kim Eng (MBKE), trong 10 tháng đầu năm nay, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài tăng 15,476%, đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tăng 13,402%.
Tính chung từ đầu năm đến nay, khối ngoại vẫn duy trì trạng thái mua ròng tích cực trên cả hai sàn, đạt hơn 348,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng 5.405 tỷ đồng. Cụ thể, trên HOSE, khối ngoại đã mua ròng hơn 278,18 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 4.590 tỷ đồng; trên HNX, khối ngoại đã mua ròng 70,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 815 tỷ đổng.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Chuyên gia nghiên cứu CTCK MBS cho biết, trong năm 2015, có 3 thời điểm khối ngoại bán ròng mạnh rơi vào tháng 3, tháng 8 và tháng 9.
Đợt bán ròng tháng 3 diễn ra sau khi thị trường có giai đoạn tăng trưởng mạnh, VN-Index tăng từ 513 điểm cuối năm 2014 lên 602 điểm cuối tháng 2/2015.
Theo đó, tổng khối lượng bán ròng trong tháng của khối này đạt hơn 2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 937 tỷ đồng trên cả hai sàn.
Nguyên nhân được đánh giá là do hoạt động chốt lời ngắn hạn, phản ánh các giao dịch thông thường của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, động thái bán ròng này đã tác động lớn tới diễn biến thị trường tháng 3 khi VN-Index giảm xuống mức đáy 537 điểm vào cuối tháng.
Trong các đợt bán ròng của tháng 8 và tháng 9, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 51,16 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng hơn 1.334 tỷ đồng trên cả hai sàn. Đợt bán ròng này diễn ra sau khi thị trường đã có giai đoạn tăng trưởng mạnh từ mức VN-Index 528 điểm (chốt phiên giao dịch ngày 18/5) lên mức đỉnh 641 điểm (ngày 15/7).
Nguyên nhân chính khiến khối ngoại bán ròng mạnh thời điểm này xuất phát từ 2 sự kiện lớn: Trung Quốc chính thức thả nổi đồng Nhân dân tệ (NDT) và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) xem xét tăng lãi suất trở lại trong kỳ họp cuối tháng 9/2015, khiến dòng vốn từ Mỹ rút ra khỏi các thị trường mới nổi và cận biên diễn ra quyết liệt hơn và thực tế, hầu hết các thị trường này đều ghi nhận tình trạng bán ròng lớn của nhà đầu tư nước ngoài.
Mặc dù vậy, thị trường Việt Nam vẫn là một trong những thị trường ít bị tác động bởi việc rút ra của dòng vốn ngoại so với các thị trường mới nổi và cận biên khác, do quy mô thị trường còn nhỏ, trong khi giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trước đó vẫn có giới hạn lớn.
Nhận định xu hướng giao dịch của khối ngoại trong thời gian tới, ông Ngọc cho rằng, việc Fed có khả năng sẽ tăng lãi suất vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2016 và đồng NDT có thể tiếp tục mất giá trong năm 2016 có thể khiến dòng vốn ngoại tiếp tục rút ra khỏi các thị trường mới nổi và cận biên.
Tuy nhiên, Việt Nam sẽ là một trong những nước ít chịu sự tác động từ động thái này, thậm chí thị trường Việt Nam có thể đón nhận thêm các dòng vốn quốc tế đi tìm các cơ hội đầu tư mới ở các thị trường tài chính sơ khai, nhất là khi Việt Nam đã chính thức mở room cho nhà đầu tư nước ngoài và Chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp lớn đang hoạt động hiệu quả.
Ngoài ra, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được thúc đẩy trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ mang lại cho TTCK lượng hàng hóa lớn, tạo ra nhiều cơ hội đầu tư tiềm năng cho khối ngoại.
“Với cơ sở đó, tôi cho rằng, năm 2016 vẫn sẽ là năm TTCK Việt Nam ghi nhận trạng thái mua ròng lớn của các nhà đầu tư nước ngoài cả về khối lượng và giá trị giao dịch. Các thương vụ M&A lớn và hoạt động mua lại các đơn vị Nhà nước thoái vốn được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho TTCK 2016”, ông Ngọc nhận định.