Bức tranh doanh nghiệp quý I/2025: Áp lực thị trường quá lớn

0:00 / 0:00
0:00
Áp lực thị trường quá lớn đang là điều các doanh nghiệp cảm nhận được vào thời điểm kế hoạch kinh doanh quý II/2025 đi vào giai đoạn thực thi.

Sức ép thị trường dồn dập

Áp lực thị trường quá lớn đang là điều các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cảm nhận được vào thời điểm kế hoạch kinh doanh quý II/2025 bước vào giai đoạn thực thi.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Cục Thống kê thực hiện trong quý I/2025 cho thấy thực trạng này. Trong đó, nhu cầu thị trường trong nước giảm, tính cạnh tranh của hàng trong nước cao đang đứng đầu danh sách khó khăn, với hơn 50% doanh nghiệp tham gia cảm nhận được. Vấn đề từ nhu cầu thấp của thị trường quốc tế đang đứng thứ 3, với tỷ lệ chọn là 30,5%.

Tuy nhiên, tình hình đang diễn biến rất phức tạp sau quyết định áp thuế đối ứng của chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump với hàng hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhiều kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trong các tháng tới có thể bị tác động rất lớn.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp.

Tín hiệu lạc quan

Thực tế trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các dự báo về tình hình kinh doanh quý II/2025 của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trong danh mục bị áp thuế đối ứng, nhất là các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khấu lớn tới thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, đứng từ góc nhìn của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, những tín hiệu lạc quan không hề nhỏ khi có tới 45,8% doanh nghiệp đánh giá xu hướng quý II/2025 sẽ tốt lên so với quý I/2025; 39,2% số doanh nghiệp cho rằng, tình hình sản xuất - kinh doanh sẽ ổn định. Số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn chiếm khoảng 15%.

Trong số này, khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lạc quan nhất, với 87,0% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất - kinh doanh quý II/2025 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2025. Tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng không hề thấp, lần lượt là 84,7% và 84,1%.

Về sản xuất, có 45,1% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất sẽ tăng so với quý I; 40,9% số doanh nghiệp dự báo ổn định; 14,0% số doanh nghiệp dự báo giảm.

Tương tự, 43,3% số doanh nghiệp dự kiến số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên trong quý II/2025; 42,8% số doanh nghiệp dự kiến số lượng ổn định và 13,9% số doanh nghiệp dự kiến giảm.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu, trong quý II/2025, có 37,8% số doanh nghiệp dự kiến tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới; 48,9% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 13,3% số doanh nghiệp dự kiến giảm.

Khó khăn vẫn quá lớn

Quý I/2025 ghi nhận tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm nay là 1.386,7 nghìn tỷ đồng, gấp gần 2,1 lần cùng kỳ năm 2024. Nguồn vốn này từ 36.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và các nguồn vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động. Cùng với đó, quý I/2025 cũng ghi nhận 36.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung, bình quân một tháng có hơn 24.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, khó khăn đang hiện hữu khi số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn trong quý I/2025 lên tới 61.400 doanh nghiệp, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước; gần 11.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 26,1%; gần 5.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,0%. Như vậy, bình quân một tháng có gần 26.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Phân tích theo khu vực kinh tế, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,9%; doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ giảm 3,3%.

Ở chiều ngược lại, nhóm doanh nghiệp vận tải, kho bãi giải thể, tạm dừng trong quý I/2025 có mức tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước, với 44%. Hai vị trí tiếp sau là dịch vụ lưu trú - ăn uống (35,2%) và công nghiệp chế biến, chế tạo (24,1%).

Rõ ràng, áp lực thị trường, kể cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu, đang làm khó các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp trong quý tới.

Tin bài liên quan