Số liệu thống kê cho thấy, nhập siêu trong quan hệ thương mại với Trung Quốc tăng nhanh đến mức chóng mặt trong vòng hơn 10 năm qua, từ 210 triệu USD (năm 2001), tăng lên hơn 9,1 tỷ USD (năm 2007), rồi 11,532 tỷ USD (năm 2009), 13,4 tỷ USD (năm 2011) và trên 23 tỷ USD của năm 2013.
Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu giá rẻ và dồi dào từ Trung Quốc. Có đến 50-60% nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may phải mua từ Trung Quốc. Thậm chí, 90% hợp đồng tổng thầu (EPC) trong các dự án nhiệt điện là do nhà thầu Trung Quốc thi công.
Với thực tế này, cộng thêm những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông, rất dễ hiểu vì sao các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và dư luận tỏ ra quan ngại đối với tình trạng gia tăng nhập siêu trong quan hệ thương mại Việt - Trung.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, chẳng dễ gì Trung Quốc bỏ qua bạn hàng lớn như Việt Nam và những lợi ích kinh tế mà các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Trung Quốc đang được hưởng ở Việt Nam. Tương tự, dù có muốn mở rộng nguồn cung tới đâu, dù có đa dạng hóa thị trường đầu ra tới mức nào, Việt Nam cũng không thể bỏ qua nguồn nguyên liệu phong phú bậc nhất của Trung Quốc, cũng như không thể không bán hàng sang một thị trường đông dân nhất thế giới lại cận kề với nền kinh tế Việt Nam.
Mặc dù vậy, để quan hệ thương mại phát triển bền vững, không thể kéo dài tình trạng lệ thuộc vào Trung Quốc với mức nhập siêu quá lớn như hiện nay. Không thể không hợp tác kinh tế với Trung Quốc, nhưng không thể bỏ trứng vào một giỏ, phải tỉnh táo để có một cán cân thương mại tiến tới cân bằng.
Đã đến lúc, đúng như chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch bình luận, phải xây dựng một nền kinh tế tự chủ, chuyển từ quan hệ lệ thuộc trên cả ba mặt quan hệ thương mại, đầu tư, tín dụng, thành quan hệ tương thuộc, tức là hai bên cùng có lợi. Một nghị quyết của Quốc hội liên quan đến vấn đề này cũng là cần thiết để bảo đảm sự phát triển bền vững và cân bằng của nền kinh tế Việt Nam.
Việc Việt Nam đang tham gia đàm phán một loạt hiệp định thương mại tự do với như châu Âu, với các đối tác xuyên Thái Bình Dương… sẽ mở ra cơ hội để hàng hóa Việt Nam có thể thâm nhập mạnh hơn vào các thị trường này, từ đó giảm bớt và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Nhưng điều quan trọng hơn, Việt Nam phải làm sao để dần chủ động trong việc cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ có lẽ chính là chìa khóa quan trọng nhất. Để giảm xuất siêu từ Trung Quốc, thì phải bắt đầu bằng việc sản xuất linh kiện, phụ kiện, nguyên liệu từ đơn giản đến phức tạp để thay thế nhập khẩu, tự chủ trong hoạt động sản xuất, đến đáp ứng nhu cầu của người dân…
Đây là vấn đề đã được bàn đến từ 20 năm nay, nhưng kết quả đạt được vẫn nằm ngoài mong muốn. Đã đến lúc cần đánh giá lại một cách nghiêm túc chính sách phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, tìm ra nguyên nhân, rào cản đích thực để có giải pháp hữu hiệu nhằm thực thi một chính sách không những có ý nghĩa thuần túy về kinh tế mà đối với cả an ninh kinh tế.