Thực tế, trong tất cả các năm, luôn có dòng tiền rút ra khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu. Kể từ đầu năm tới nay, nhà đầu tư đã rút khoảng 134,2 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu trên toàn cầu, theo tính toán của Goldman Sachs Group Inc dựa trên số liệu theo dõi dòng tiền của EPFR Global. Trong số đó, có 56,4 tỷ USD chảy ra khỏi các quỹ đầu tư tại Mỹ nói riêng. Con số này lớn hơn nhiều so với mức 16,3 tỷ USD chảy vào các quỹ đầu tư tập trung vào chứng khoán Mỹ.
Đâu là nguyên nhân của diễn biến này? Theo các chuyên gia, đây là một phần của việc chuyển đổi chiến lược trong dài hạn, khi các nhà đầu tư cá nhân lớn tuổi hơn muốn chuyển tài sản vào các loại hình đầu tư an toàn hơn, ví dụ trái phiếu.
“Chúng tôi nhận thấy một xu hướng ngầm trên thị trường chứng khoán Mỹ, đó là việc thế hệ baby boomers (những người sinh vào khoảng thời gian từ năm 1946 - 1964 ở Anh, Mỹ, Canada và Australia, thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh) chuẩn bị nghỉ hưu”, Cameron Brandt, Giám đốc nghiên cứu tại EPFR cho biết.
Sự hưng phấn của thị trường đôi khi làm lu mờ biến động của dòng tiền chảy ra khỏi cuộc chơi, nhưng hiện tại, trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục và những biến động đột ngột của thị trường chứng khoán, một thế hệ các nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn.
Vậy nếu các nhà đầu tư cá nhân đang không hào hứng tham gia, ai là người mua cổ phiếu và đẩy giá lên cao? Việc trả lời chính xác câu hỏi nay là bất khả thi, nhưng có một phần rõ ràng rằng, lực đẩy lớn đang xuất phát từ chính các doanh nghiệp.
Các công ty Mỹ đã thu về lợi nhuận tích cực trong nhưng năm gần đây, một phần nhờ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế liên bang được cắt giảm và họ đang sử dụng nguồn tiền này để mua lại cổ phiếu của mình. Lượng cổ phiếu được các doanh nghiệp mua lại đã tăng 22% trong quý I/2019, ước tính vào khoảng 270 tỷ USD, theo Bank of America Corp, dễ dàng “nhấn chìm” dòng tiền rút ra khỏi các quỹ đầu tư trong cùng giai đoạn.
Theo giới chuyên gia, một tình trạng chung của các doanh nghiệp Mỹ hiện tại là không có nhiều cơ hội đầu tư thực sự trên thị trường, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - Brexit… tạo ra những bất ổn khó dự báo. Do đó, việc mở rộng hoạt động hoặc đầu tư sâu hơn chưa phải ưu tiên hàng đầu. Đây là thời gian thích hợp để các công ty tự “đầu tư” cổ phiếu và giúp cho bữa tiệc của thị trường chứng khoán Mỹ còn kéo dài.
Sayad Baronyan, chiến lược gia tại EPFR cho rằng, sự chia rẽ giữa các nhà đầu tư thông thường và doanh nghiệp sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa trong vài tháng tới, nhất là khi dòng tiền chảy vào các quỹ đầu tư cổ phiếu có phần yếu hơn kể từ tháng 5 tới tháng 10 hàng năm so với phần còn lại của năm.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sẽ mạnh tay hơn trong việc mua lại cổ phần, bởi những đồn đoán về việc giới chức Mỹ sẽ siết chặt hơn việc quản lý hoạt động này vào năm 2020, theo nhận định của các chiến lược gia tại America-Merrill Lynch. Và với diễn biến này, bữa tiệc chứng khoán Mỹ sẽ chưa vội tàn.