Tháng 4/2022, BSR đã phối hợp với Tập đoàn tư vấn BCG tổ chức cuộc họp khởi động Dự án xây dựng Chiến lược phát triển BSR đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sau thời gian phối hợp triển khai, tư vấn BCG đã hoàn thành đề án và trình BSR xem xét. Theo nội dung đề án, Chiến lược phát triển BSR được chia làm 3 giai đoạn: ngắn và trung hạn (2021 - 2025); dài hạn (đến năm 2030); tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đánh giá của Tư vấn BCG, trong thời gian qua, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đóng vai trò tiên phong trong việc xây dựng nền tảng cho sự phát triển của ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam, đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Để đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai, cũng như tích cực tham gia vào việc hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam, bên cạnh việc tập trung vào lĩnh vực hóa dầu, BSR sẽ từng bước mở rộng sang lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo cũng như cung cấp dịch vụ kỹ thuật cao.
Thực tế cho thấy vai trò quan trọng của việc chủ động nguồn cung xăng dầu trong nước. Thời gian gần đây, hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh, bán lẻ xăng dầu tại một số địa phương đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế đã ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.
Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ đạo để bảo đảm thị trường xăng dầu hoạt động ổn định, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay sau khi Bộ Công Thương chỉ đạo về việc tăng công suất sản xuất xăng dầu trong nước, ngày 18/10/2022, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã tăng công suất vận hành từ 107% lên 109%. Bên cạnh tăng công suất Nhà máy, BSR đẩy nhanh công tác bán hàng và xuất bán tối đa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu xăng dầu nội địa.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, BSR đã xuất bán gần 6,6 triệu m3 xăng dầu, cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ vượt hơn 450.000 m3 so với khối lượng đã cam kết, tồn kho của Nhà máy lọc dầu Dung Quất thường xuyên duy trì ở mức thấp.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đã triển khai đàm phán với các chủ mỏ về khả năng gia tăng sản lượng khai thác và bổ sung thêm nguồn dầu thô tháng 11 và 12/2022 cho Nhà máy; nhập khẩu thêm các lô nguyên liệu trung gian; rà soát, đánh giá các giải pháp kỹ thuật, an toàn hướng tới mục tiêu tăng công suất vận hành tối đa. Theo đánh giá, Nhà máy có thể tăng và giữ ổn định ở 112% công suất nếu đảm bảo nguồn nguyên liệu bổ sung và điều kiện thời tiết thuận lợi.
Với việc duy trì hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ở công suất cao, BSR đã góp phần quan trọng đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn về nguồn hàng, việc nhập khẩu khó khăn, phụ phí nhập khẩu cao.
Ưu tiên phát triển bền vững và tập trung vào hoạt động sản xuất chế biến sâu xăng dầu, hoạt động của BSR đã đạt hiệu quả tích cực. Báo cáo tài chính của Công ty ghi nhận, 9 tháng đầu năm 2022, BSR đạt doanh thu 126.720 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 12.899 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2023, BSR xây dựng kế hoạch tiếp tục vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất an toàn, ổn định, liên tục ở công suất cao và cơ cấu sản phẩm tối ưu phù hợp với nhu cầu và tình hình thị trường để tối đa hoá hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
BSR sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ, đánh giá và dự báo tình trạng hoạt động của các trang thiết bị, đặc biệt là các thiết bị, hệ thống quan trọng; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và chế biến thử nghiệm các loại nguyên liệu (dầu thô, các cấu tử trung gian); nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới và kéo dài chuỗi giá trị sản phẩm hiện hữu của Nhà máy.
Bên cạnh các hoạt động sản xuất - kinh doanh thường nhật, BSR đang tập trung nguồn lực lớn để triển khai dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đây là dự án có vai trò quan trọng đặc biệt với doanh nghiệp, địa phương, cũng như nền kinh tế.