Mới đây, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã đánh giá, công nhận 31 sáng kiến cấp cơ sở của công nhân, kỹ sư, chuyên gia đang làm việc tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Hiệu quả kinh tế mang lại từ các sáng kiến ước tính tổng giá trị làm lợi hơn 10 triệu USD mỗi năm cho Công ty. Trong đó, hai giải pháp đạt giải Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam 2018 được nhìn nhận đã đánh dấu bước thành công vượt bậc của BSR trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Giải pháp đầu tiên là “Tinh chỉnh và tối ưu các thông số vận hành phân xưởng PRU (Propylene Recovery Unit) nhằm thu hồi tối đa sản phẩm propy lene trong điều kiện phân xưởng vận hành ở công suất 110 - 115% thiết kế” của nhóm tác giả gồm Hồ Quang Xuân Nhàn, Ðặng Ngọc Ðình Ðiệp, Nguyễn Hoàng Tri, Nguyễn Hữu Trúng, Trương Ðức Hạnh, Trần Thị Khánh Linh, Nguyễn Thành Bông, Nguyễn Văn Thọ; trong đó kỹ sư Hồ Quang Xuân Nhàn làm chủ biên đề tài.
Dựa trên việc theo dõi, thống kê số liệu mất mát propylene tại phân xưởng thu hồi propylene, nhóm tác giả đã đưa ra các giải pháp tinh chỉnh điều kiện vận hành làm giảm mất mát propylene trong điều kiện tính chất dầu thô đầu vào thay đổi, phân xưởng PRU thường xuyên chạy quá tải 115% công suất. Kết quả của công trình đã giúp nhà máy giải quyết được vấn đề thiếu hụt nguồn propylene nguyên liệu cung cấp cho phân xưởng sản xuất hạt nhựa polypropylene.
Giải pháp này được đưa vào áp dụng từ cuối năm 2017, đem lại lợi nhuận khoảng 800.000 USD/năm, tương đương hơn 17 tỷ đồng/năm cho BSR; đồng thời giúp Công ty chủ động hơn về nguồn nguyên liệu cho phân xưởng Polypropylene.
Giải pháp thứ hai là tách dầu nhũ hóa bền trong nước chua tại phân xưởng xử lý nước chua (SWS), do nhóm tác giả Lê Quốc Việt (chủ biên), Nguyễn Sơn Lâm, Ðặng Ngọc Ðình Ðiệp, Lê Trọng Khải, Mạch Quang Tùng, Phạm Ngọc Hà, Bùi Anh Khánh, Lê Thanh Văn thực hiện.
Phân xưởng SWS được thiết kế để xử lý nước chua (chủ yếu chứa khí NH3, H2S) từ các phân xưởng công nghệ (RFCC, CDU, LCO-HDT, NHT, CCR và hệ thống đuốc đốt chua). Phân xưởng gồm 2 tháp tách T-1802 dùng để tách khí H2S và tháp T-1801 dùng để tách khí NH3. Các khí này được đưa sang phân xưởng thu hồi lưu huỳnh (SRU) để thu hồi lưu huỳnh/đốt để đảm bảo các tiêu chuẩn xả thải ra môi trường.
Từ khi bắt đầu vận hành năm 2008, phân xưởng SWS phải đối mặt với vấn đề kỹ thuật là trong nước chua chứa nhiều dầu và không thể tách triệt để tại thiết bị tách dầu D-1801.
Việc này đã tác động xấu đến khả năng vận hành phân xưởng SWS và các phân xưởng hạ nguồn. Và giải pháp của nhóm kỹ sư BSR đã giải quyết được các vấn đề kỹ thuật ở phân xưởng SWS.
Trước khi giải pháp này ra đời, đã có 3 nhà cung cấp hóa chất phá nhũ tiến hành thử nghiệm tại phòng thí nghiệm cũng như thực tế tại công trường, nhưng không thành công.
Kỹ sư Lê Quốc Việt cho biết, việc thử nghiệm và áp dụng thực tế thành công giải pháp tách nhũ bền dầu trong nước chua đã làm lợi được 6,1 tỷ đồng/năm bởi giảm chi phí bảo dưỡng sửa chữa và lượng hơi nước tiêu thụ. Từ năm 2015 đến nay, giải pháp đã được áp dụng thành công việc xử lý nhũ hóa bền dầu trong nước tại phân xưởng SWS.
Hai giải pháp của BSR đã được áp dụng và mang lại giá trị nhiều triệu USD cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ðây có thể coi là bước phát triển tiếp theo trong việc áp dụng sáng kiến, giải pháp khoa học công nghệ vào sản xuất ở BSR. Trước đó, 3 năm liên tiếp 2015 - 2017, BSR đều đạt giải cao giải thưởng Vifotec.
Những sáng kiến này giúp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động an toàn, ổn định ở công suất 105 - 107%. Bên cạnh những giá trị bằng tiền; sáng kiến, sáng tạo ở BSR khẳng định chất xám Việt đã tự làm chủ khoa học công nghệ lọc dầu, từng bước vươn mình ra thế giới.