Liên quan đến một vấn đề mà NĐT quan tâm là việc tăng vốn điều lệ từ 865 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, ông Đỗ Huy Hoài, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc BSC cho biết, việc này xuất phát từ đề xuất của cổ đông lớn là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Theo kế hoạch được ĐHCĐ thông qua, trong năm 2015, BSC sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho từ 1- 3 NĐT tài chính trong và ngoài nước, để tăng vốn điều lệ lên tối đa 1.000 tỷ đồng. Theo đó, BSC sẽ phát hành 13,5 triệu cổ phiếu, với giá không thấp hơn 10.000 đồng/CP. Kế hoạch tăng vốn dự kiến sẽ được BSC thực hiện trong quý II/2015. Quy mô vốn mục tiêu mà BSC đặt ra đến năm 2020 tối thiểu đạt 1.500 tỷ đồng, trong điều kiện thuận lợi có thể tăng lên 2.000 tỷ đồng.
“Quy mô vốn điều lệ của BSC hiện khá khiêm tốn so với các CTCK trong top đầu về thị phần môi giới. Việc tăng vốn, ngoài giúp BSC hiện thực hóa mục tiêu tiếp tục có mặt trong top 10 CTCK có thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất trên thị trường, còn chuẩn bị cho BSC đủ điều kiện tham gia TTCK phái sinh trong thời gian tới...”, ông Hoài cho biết.
Năm nay, BSC đặt mục tiêu thị phần môi giới tối thiểu 3,5% và nằm trong top 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất thị trường; duy trì vị thế là 1 trong 3 CTCK dẫn đầu thị trường về hiệu quả hoạt động tư vấn tài chính.
Trong năm 2015, định hướng trọng tâm mà HĐQT của BSC đặt ra là cải thiện năng lực tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chiến lược phát triển dài hạn của BSC là tăng trưởng bứt phá khỏi mức bình quân ổn định của thị trường và độc lập tương đối với diễn biến lên xuống của thị trường, khẳng định thương hiệu khác biệt, hướng tới vị trí dẫn đầu trên TTCK Việt Nam, gia tăng lợi nhuận bền vững…