Broker, góc khuất phía sau bảng điện tử lấp lánh

Broker, góc khuất phía sau bảng điện tử lấp lánh

(ĐTCK) Môi giới chứng khoán (gọi tắt là broker) là bộ phận không thể thiếu đối với mỗi thị trường chứng khoán. Và phía sau bảng điện tử xanh đỏ lấp lánh, nhảy múa liên tục là biết bao hỉ, nộ, ái, ố của các broker.

1. “Nếu không chịu được áp lực và rủi ro thì tốt nhất không nên làm môi giới chứng khoán”, một broker kết luận sau hơn 10 năm “chinh chiến” với nghề.

Theo phân tích của broker này, thị trường chứng khoán biến động liên tục, nên thu lời nhanh mà lỗ cũng chóng, nhưng cũng chính sự biến động lớn và tiềm ẩn đầy rủi ro đã tạo nên sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán. Sáng tăng, chiều giảm hay hôm qua giảm hôm nay tăng, luôn bất ngờ đã tạo ra sức hút rất lớn cho bất cứ ai tham gia thị trường.

Nghề môi giới chứng khoán, cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng bán – mua cổ phiếu theo đó cũng đầy rủi ro. Có khi là rủi ro do biến động khách quan của nền kinh tế, từ khách quan thị trường, khiến tài khoản của nhà đầu tư chịu thiệt hại lớn. Khi đó, “của đau con xót”, cũng có khách hàng trút bực lên đầu nhân viên môi giới. Nhưng có khi lại là rủi ro từ khách quan.

Broker, những người chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn bán - mua cổ phiếu cho nhà đầu tư tưởng sẽ phải “thạo tin” hơn, nhưng trong nhiều trường hợp lại không phải như vậy.

Chứng khoán vốn là lĩnh vực rất phức tạp, đòi hỏi các broker phải có kiến thức về tài chính, khả năng phân tích, nắm bắt thông tin tốt, nếu trình độ hạn chế sẽ khó có khách hàng và đi kèm với đó là những khoản thu nhập tốt. Chỉ cần một chút sơ suất, đặt lệnh sai, nhân viên môi giới có thể gây thiệt hại cho khách hàng và trong trường hợp chứng minh được lỗi do môi giới, khách hàng có thể kiện môi giới đòi bồi thường.

Chưa kể, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn coi thị trường chứng khoán là sòng bạc do tính chất thiếu minh bạch và thao túng giá, nên nghề môi giới chứng khoán nhiều khi chưa được đánh giá đúng mức.

Tuy nhiên, bên cạnh những rủi ro, nghề môi giới chứa đựng nhiều rất yếu tố hấp dẫn. “Nếu không thấy được nhiều mặt tích cực thì các broker đã bỏ nghề hết rồi. Nhà đầu tư chứng khoán luôn là người có tiền. Phục vụ cho người có tiền luôn tốt hơn phục vụ cho người không có tiền. Khi đã tham gia đầu tư chứng khoán, một lĩnh vực nhiều rủi ro, họ đều chấp nhận quy luật được – thua và khi được họ khá hào phóng với nhân viên môi giới. Điều này dẫn đến thu nhập của môi giới khá cao nếu giỏi nghề”, broker tên Đức khẳng định. 

Một lý do khác khiến nghề broker hấp dẫn, đó là các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề, nên broker có cơ hội tìm hiểu thêm kiến thức về nhiều lĩnh vực, gặp rất nhiều con người tài năng ở các doanh nghiệp. Nhờ đó mà broker có thể phát triển bản thân và kiếm thêm thu nhập. Đây là điều mà hiếm nghề khác có được. 

2. Về lý thuyết, thu nhập của môi giới phụ thuộc vào quy mô giao dịch của khách hàng, chứ không phải phục thuộc vào lợi nhuận của khách hàng. Giai đoạn thị trường thăng hoa, VN-Index tiến lên mốc 1.100 điểm, hầu như nhà đầu tư nào cũng thắng, môi giới có khoản thu nhập khủng. Ngoài phí giao dịch, họ còn được nhận khoản tiền “tip” của khách hàng sau khi tư vấn thành công vào một vài mã cổ phiếu nào đó, chưa nói đến lợi nhuận từ việc đầu tư.

“Sau giờ giao dịch là những bữa liên hoan tưng bừng tại các nhà hàng có tiếng, ăn cua hoàng đế, có cafe cũng phải chui vào khách sạn 5 sao mới sang chảnh”, anh T nhớ lại giai đoạn hoàng kim của nghề trong những năm 2006 - 2007.

Chứng khoán khắc nghiệt thật, nhưng nó cũng có những điểm mê hoặc lòng người. Thế nên, còn đam mê và trách nhiệm thì sẽ tiếp tục theo đuổi

- một broker.

Đã có những giai đoạn, mỗi công ty chứng khoán thành lập từ 10 đến 20 phòng môi giới, công ty chứng khoán quy mô nhỏ cũng có ít nhất vài ba phòng. Có phòng môi giới đạt giá trị giao dịch hàng trăm tỷ đồng/phiên, phòng mèng mèng cũng phải đạt ít nhất vài tỷ đồng. Từng có lúc, các broker không mấy thiết tha đối với các tài khoản tính bằng trăm triệu đồng, mà chỉ hướng đến các khách hàng VIP có giao dịch trung bình mỗi phiến tính bằng tiền tỷ.

Cùng với sự phân cấp của các phòng môi giới là vị thế của broker, đối với các broker “có đai, có đẳng” thì khả năng đánh giá thị trường cũng chính xác hơn, cung cấp nhiều thông tin giá trị cho khách hàng hơn. Những môi giới này có một vị thế rất đặc biệt do có ảnh hưởng đến túi tiền của những nhà đầu tư lớn.

Giai đoạn đó, thậm chí nhiều công ty chứng khoán còn ra thông báo khách hàng phải có số dư tối thiểu ban đầu là 100 triệu đồng mới được mở tài khoản giao dịch để hạn chế lượng khách hàng.

Nhưng ngày đó đã xa! Cạnh tranh thị phần giữa các công ty chứng khoán ngày càng khốc liệt. Hiện tại, các broker phải tự đi tìm và thuyết phục bằng được các khách hàng về mở tài khoản tại công ty mình.

Cũng vì điều kiện thị trường không còn thuận lợi như trước, nên để có thu nhập từ phí giao dịch, môi giới thuyết phục khách hàng giao dịch thường xuyên dù bối cảnh thị trường không thuận lợi để thu được nhiều phí hơn là có. Việc làm này có thể gây rủi ro cho khách hàng, chưa kể vốn của khách hàng bị bào mòn do phí giao dịch. 

3.  Biết rõ từng khoản lời của nhà đầu tư, nên phần lớn broker không cưỡng lại sức hút từ ánh đèn xanh, tím của bảng điện tử, không thể bình tĩnh đứng ngoài tư vấn cho khách hàng bán - mua khi giao dịch cổ phiếu tăng kịch trần. Nên ngoài công việc chính, các broker cũng đều ít nhiều tham gia đầu tư.

Là một broker, liệu có phải là một lợi thế trong đầu tư chứng khoán so với các nhà đầu tư thông thường? Đặt câu hỏi này với một số broker, câu trả lời nhận được là: Chưa hẳn!

Theo phân tích của một broker, thị trường chứng khoán trong nước vẫn còn trong giai đoạn non trẻ, tính minh bạch của các doanh nghiệp của thị trường chưa cao, do vậy, vẫn còn tình trạng lộ thông tin nội gián hay giao dịch nội gián. Broker, những người chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn bán - mua cổ phiếu cho nhà đầu tư tưởng sẽ phải “thạo tin” hơn, nhưng trong nhiều trường hợp lại không phải như vậy.

Nhiều lần chính broker là người nhận các tin tức nội gián từ chính các khách hàng của mình. Tiếp cận với các thông tin đa chiều, nếu broker không đủ khả năng phân tích dễ bị loạn tin, rơi vào tình trạng thua lỗ, cháy tài khoản.

Say máu đầu tư, dùng đòn bẩy tài chính lớn, nên trong giai đoạn thị trường rơi sâu, broker cũng chính là những nhà đầu tư chịu hậu quả nặng nề. Sau thời huy hoàng tiền nong rủng rỉnh, sắm biệt thự, xe hơi dễ dàng, không ít broker ngập chìm trong đống nợ. Người ít thì vay nợ hàng trăm triệu, trung bình vài ba tỷ đồng, thậm chí lên đến hàng chục tỷ đồng.

Nhà xe  lần lượt “đội nón” ra đi. Cám cảnh nhất là nhiều broker rơi vào tình trạng phải đi vay nặng lãi, nợ chồng lên nợ phải quay cuồng vay chỗ nọ đắp chỗ kia. Dư âm nợ nần cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa hết và nhiều broker bám trụ công ty chứng khoán cũng vì những ràng buộc “khó nói” với công ty.

So với ngày đầu thị trường mới thành lập chỉ với 6 công ty chứng khoán và vài chục môi giới viên, lực lượng broker hiện nay rất hùng hậu, lên đến cả nghìn người. Ngoài yếu tố quy mô thị trường, thì điều này cũng thấy nghề môi chứng khoán có sức hút nhất định.

“Chứng khoán khắc nghiệt thật, nhưng nó cũng có những điểm mê hoặc lòng người. Thế nên, còn đam mê và trách nhiệm thì sẽ tiếp tục theo đuổi”, một broker tâm sự.         

Tin bài liên quan