Những tuần gần đây, British Airways đã liên tiếp gặp rắc rối. Một chuyến bay của hãng bị hoãn 5 tiếng đồng hồ vì thiếu giấy vệ sinh, một cụ bà 87 tuổi đã phải đi tiểu ngay tại chỗ ngồi và chịu ướt 13 tiếng vì tiếp viên không cho dùng toilet và gần đây nhất là việc hãng hàng không vốn được gắn mác “hạng sang” này ngừng phục vụ đồ ăn nhẹ miễn phí.
Những sự việc này đã ít nhiều làm xấu đi hình ảnh của hãng hàng không lớn nhất về quy mô đội tàu bay, lớn thứ nhì về lượng hành khách chuyên chở tại Anh.
Thực tế, British Airways đã bị truyền thông và khách hàng phê phán từ hồi đầu năm ngoái, khi tuyên bố sẽ tính phí tất cả các bữa ăn đối với những chặng bay ngắn. Hãng cũng thực hiện nhiều nỗ lực cắt giảm chi phí khiến cho những đặc quyền của khách hàng thượng lưu bị hạn chế như: loại bỏ hoa tươi trong nhà vệ sinh hạng nhất, giảm kích cỡ túi đựng đồ, thu thêm nhiều khoản phí...
Hãng hàng không do chính phủ Anh thành lập năm 1972 còn thông báo sẽ thay thế chiếc ghế hạng thương gia Club World, vốn là một trong những chiếc ghế hạng thương gia đầu tiên có chức năng biến thành giường phẳng để nằm ngủ.
Những động thái này khiến British Airways bị đem ra so sánh với các hãng giá rẻ như Ryanair và EasyJet. Hai hãng hàng không giá rẻ này đều đã áp dụng thành công mô hình của Southwest Airlines, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất thế giới có trụ sở tại Mỹ, với phương thức chính là sử dụng máy bay với tần suất cao, thời gian quay vòng nhanh, tính phí bổ sung, giữ chi phí hoạt động ở mức thấp.
Những nỗ lực cắt giảm chi phí đang làm ảnh hưởng tới hình ảnh hãng hàng không cao cấp của British Airways
Vốn được biết đến là hãng hàng không cao cấp, những thay đổi của British Airways bị nhiều người đánh giá là làm mất đi bản sắc của mình. Song, chiến lược cắt giảm chi phí có phần “không khoan nhượng” này là phù hợp với thời đại.
Trong bối cảnh nền kinh tế Anh tăng trưởng chậm lại, nhu cầu về du lịch hàng không sẽ giảm. Năm ngoái, giá vé máy bay giảm hơn 2%, chưa kể nhu cầu đối với một số chặng bay giảm do tâm lý lo sợ khủng bố.
Trong khi đó, các hãng hàng không giá rẻ vẫn đang mở rộng số lượng đội tàu bay một cách tích cực. Mark Simpson, một nhà phân tích hàng không tại Goodbody cảnh báo rằng, British Airways sẽ phải thay đổi để cạnh tranh về giá hoặc thu hẹp quy mô lại.
Alex Cruz, người đã tiếp quản British Airways hồi tháng 4 năm ngoái, được đánh giá là nhà lãnh đạo thích hợp cho chiến lược hiện tại của Công ty. Trước đây, Cruz từng là giám đốc điều hành của hai hãng hàng không giá rẻ Vueling và Clickair.
Ông Cruz từng là CEO 2 hãng hàng không giá rẻ Vueling và Clickair
Cho đến nay, phương án này có vẻ đã cho thấy hiệu quả. Trong khi FTSE 100, chỉ số cổ phiếu chính của Anh, đã tăng lên trong ba tháng qua, giá cổ phiếu của Tập đoàn International Airlines (doanh nghiệp ra đời từ việc sáp nhập British Airways với hãng Iberia của Tây Ban Nha) cũng đã tăng thêm 1/5.
Khẳng định rằng British Airways có thể đáp ứng được nhu cầu của mọi tầng lớp khách hàng, Cruz cho biết: “British Airways là một hãng hàng không cao cấp. Chúng tôi sẽ tiếp tục là một hãng hàng không cao cấp, đồng thời tìm kiếm những cách thức mới để cạnh tranh trong mảng khách hàng ưu tiên giá rẻ. Chúng tôi sẽ không từ bỏ mảng khách hàng này.”
Rõ ràng, trong bối cảnh hiện tại, không chỉ British Airways mà các hãng hàng thông truyền thống nói chung trên toàn thế giới đều đang đước trước cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt với sức bật và sự chi phối mạnh mẽ của các hãng hàng không giá rẻ. Sự chuyển mình để bắt kịp với xu thế là cần thiết để không bị bỏ lại phía sau.