Sau Brexit, nước Anh đang tích cực tìm kiếm, phát triển các mối quan hệ làm ăn song phương và đa phương với các nước trong và ngoài EU.
Nhận diện những thay đổi
Ngay trong lòng nước Anh, tỷ lệ ủng hộ và phản đối quyết định Brexit cũng tương đương nhau, 52/48%, và không đồng đều giữa các vùng, miền. Bên nào cũng có những lý do chính đáng để bảo vệ ý kiến của mình một cách nhiệt thành.
Dù ủng hộ hay phản đối, thì giờ đây, điều đó cũng đã xảy ra. Sau hơn 3 năm đàm phán, nguyện vọng chung của mọi người dân là: “Brexit nghĩa là Brexit”, như lời khẳng định của Thủ tướng tiền nhiệm Theresa May khi bà lên nắm quyền và bắt đầu khởi động tiến trình đưa nước Anh ra khỏi EU, từ 2016 - 2019.
Chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng Boris Johnson đã làm được một việc vô cùng khó, là phá vỡ thế bế tắc trong các vòng đàm phán với EU và vượt qua được sự thiếu nhất quán nội bộ từ ngay chính Nghị viện Anh, để chính thức biến Brexit thành hiện thực. Cũng nhờ vào thành tích này, mà Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson đã chiến thắng vang dội trong kỳ bầu cử tháng 12/2019, giành được đa số ghế trong Quốc hội và bỏ xa đối thủ Công Đảng, vốn có quan điểm không rõ ràng về Brexit.
Nhắc lại những điều trên, để hiểu được bối cảnh của Brexit, sự phức tạp, đa diện của vấn đề, từ đó phần nào có thể giúp chúng ta đưa ra những nhận định khách quan và những dự đoán có cơ sở.
Người Anh có lòng tự tôn dân tộc rất cao, nhưng về cơ bản, họ không phải là những người phân biệt chủng tộc. Xã hội Anh vốn tôn trọng truyền thống, song cũng luôn đề cao tinh thần thượng tôn luật pháp và mang tính cởi mở, đa văn hóa, đa sắc tộc.
Bởi vậy, những người nước ngoài sống ở Anh sẽ không bị phân biệt chủng tộc nhiều, dù trước hay sau Brexit. Tuy Anh và EU đã “ly hôn”, nhưng mối quan hệ qua lại giữa hai bên vẫn sẽ còn tiếp tục bền chặt và sâu rộng, vì cả hai bên vẫn cần nhau. Trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, ngoại giao, an ninh, quân sự tới chống khủng bố, chống nạn buôn người, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh…, cả Anh và EU vẫn sẽ làm việc chung, tuy sẽ có những khác biệt sau khi hai bên đạt được thỏa thuận chính thức, bộ khung định hình mối quan hệ mới này, sau thời gian quá độ chuyển tiếp đến hết ngày 31/12/2020.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, sẽ không có gì thay đổi ngay lập tức đối với các công dân Anh sống ở EU cũng như công dân các nước EU ở Anh và Anh sẽ vẫn bị ràng buộc bởi luật pháp EU. Quyền tự do di chuyển, cho phép công dân các nước EU sống và làm việc ở Anh và ngược lại, vẫn tiếp tục được duy trì. Điều đó đồng nghĩa, hộ chiếu và thẻ căn cước EU vẫn sẽ tiếp tục có hiệu lực cho tới hết ngày 31/12/2020. Sau thời điểm đó, Chính phủ Anh sẽ thông qua dự luật chấm dứt quyền tự do di chuyển của công dân EU. Người lao động lúc đó sẽ cần cấp visa để làm việc hoặc sinh sống lâu dài tại Anh.
Hiện có khoảng 1,3 triệu công dân Anh đang sống và làm việc tại EU cùng khoảng 3,6 triệu công dân EU đang ở Anh, trong đó có cả những người gốc Việt. Sau thời hạn chuyển tiếp, các luật về người nhập cư của Anh trước đây, vốn dựa vào luật của EU, được dự đoán là sẽ có nhiều thay đổi. Vì một trong những lý do chính của Brexit đưa Anh rời khỏi EU là để có thể kiểm soát, cắt giảm lượng người nhập cư nói chung, đồng thời chọn ra những người thực sự xuất sắc, giỏi và có ích cho Anh quốc.
Những thay đổi này đã bắt đầu được nhận thấy gần đây. Ví dụ, luật mới cho sinh viên nước ngoài đến học tại Anh có quyền ở lại 1 - 2 năm sau khi tốt nghiệp để tìm kiếm việc làm sẽ tạo ra các cơ hội mới cho họ. Tuy còn chưa rõ chi tiết, nhưng chắc chắn, những luật mới hậu Brexit sẽ có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến cộng đồng người nước ngoài tại Anh nói chung và người gốc Việt nói riêng.
Tác động của Brexit đến cộng đồng người Việt
Những tác động của Brexit đến cộng đồng người Việt là tích cực hay tiêu cực? Sẽ là cả hai, tùy theo hoàn cảnh và mỗi nhóm người. Ví dụ, đối với những người Việt quốc tịch EU (như Đức, Pháp, Ba Lan, Séc, Hungary…), thì trước mắt, không có gì thay đổi. Sau đó, họ vẫn có quyền lựa chọn rời khỏi Anh hay ở lại định cư lâu dài.
Trong khi đó, những người chỉ có quốc tịch Việt Nam, nhưng “ăn theo” vợ/chồng là người có quốc tịch ở EU, có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi Brexit, nếu quyền được theo vợ/chồng này không còn.
Hay nhóm những người Việt sang Anh xin tị nạn. Trước đây, họ thường dựa vào Luật Nhân quyền của EU để xin ở lại, nhưng nay, Chính phủ Anh không bị ràng buộc bởi luật EU nữa, nên sẽ áp dụng các điều lệ riêng. Việc xin tị nạn có thể sẽ khó khăn hơn trước nhiều, vì sẽ không còn khả năng cho mọi người khiếu kiện lại quyết định của Tòa án Anh ra Tòa án châu Âu nữa.
Trước kia, quyền tự do đi lại và thông thương giữa các nước EU, gồm cả Anh, đã góp phần tạo nên vấn nạn người Việt vượt biên bất hợp pháp vào Anh để làm việc bất hợp pháp trong các tiệm nail hay trồng cần sa…, như câu chuyện bi thảm của 39 người Việt hồi tháng 10/2019.
Giờ đây, nước Anh sẽ có điều kiện để kiểm soát chặt chẽ hơn biên giới của mình với EU, đồng thời tập trung nguồn lực để đối phó hiệu quả hơn với vấn nạn này. Nhóm hưởng lợi rõ rệt nhất từ Brexit, là các sinh viên Việt Nam muốn sang Anh học và tìm cơ hội ở lại đi làm để định cư lâu dài.
Trước đây, khi còn ở trong EU, Chính phủ Anh đã đưa ra rất nhiều rào cản về chính sách, ảnh hưởng đến sinh viên quốc tế không thuộc EU muốn ở lại đi làm sau khi học xong. Giờ đây, việc giảm bớt số lượng người nhập cư từ EU, gồm cả sinh viên và lao động tay nghề cao từ EU, do không còn được hưởng mức học phí ưu đãi như trước nữa, cũng như các văn bằng, chứng chỉ của EU sẽ không còn được tự động công nhận ở Anh, thì có thể sẽ tăng cầu cho thị trường lao động ở Anh. Điều đó có nghĩa là, tăng cơ hội cho sinh viên Việt Nam dễ dàng vào Anh và ở lại đi làm hơn.
Với người đang đi làm cũng như các doanh nghiệp của người Việt ở Anh, trước mắt, tác động và ảnh hưởng của Brexit chưa rõ ràng.
Về nền kinh tế nói chung, sau Brexit, cú sốc suy thoái hậu Brexit chưa xảy ra như một số kịch bản bi quan ban đầu. Ngược lại, thị trường bất động sản có vẻ đang tận hưởng một “cú nhảy Brexit”. Theo Halifax, giá trị của một căn nhà trung bình ở Anh đã tăng 4.000 bảng Anh vào tháng 12/2019 - mức tăng theo tháng lớn nhất kể từ năm 2007 và đẩy mức tăng hàng năm lên 4%. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư từ Việt Nam.
Trong ngành kiến trúc, xây dựng cũng chưa có dấu hiệu của các dự án xây dựng bị đình trệ do Brexit. Tất nhiên, mọi thứ vẫn còn đang ở phía trước, ít nhất cho đến khi các hiệp định thương mại giữa Anh và EU, Mỹ, Nhật Bản cũng như các nước khác, gồm cả Việt Nam, được ký kết.
Khi đó, hy vọng cơ hội cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Anh quốc và ngược lại sẽ gia tăng, thúc đẩy các doanh nghiệp của Anh mở rộng đầu tư và hợp tác làm ăn với Việt Nam.
Sau Brexit, nước Anh đang tích cực tìm kiếm và phát triển các mối quan hệ làm ăn song phương cũng như đa phương với các nước trong và ngoài EU, mà chắc chắn, châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng luôn là điểm đến hấp dẫn và thị trường đầy tiềm năng mà họ sẽ không bỏ lỡ.
Mặt khác, nước Anh cũng là một thị trường vô cùng hấp dẫn và nguồn vốn, công nghệ cao không thể bỏ lỡ đối với các nhà đầu tư, sản xuất trong nước. “Hope for the best, plan for the worst” (hy vọng điều tốt đẹp nhất và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất), người phương Tây thường nói như vậy.
Chúc cho Brexit sẽ mang lại những vận hội mới cho cộng đồng người Việt Nam ở Anh nói riêng và sự giao thương phát triển của hai quốc gia nói chung, nơi tôi đều coi là tổ quốc của mình.