Sau cả đêm (theo giờ Anh) hồi hộp chờ đợi kết quả kiểm phiếu, cuối cùng số chiến thắng đã thuộc về phe ủng hộ Brexit với 51,9% so với 48,1% số người ủng hộ Anh ở lại với EU.
Kết quả này đã châm ngòi cho những đợt bán tháo ồ ạt diễn ra trên thị trường chứng khoán toàn cầu và phố Wall không phải ngoại lệ. Trong phiên thứ Sáu, phố Wall đã chứng kiến đợt bán tháo mạnh nhất trong 10 tháng qua, trong khi chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall tăng mạnh tới 49%, lên 25,76, mức cao nhất kể từ ngày 11/2, thời điểm chứng khoản xuống mức thấp nhất năm.
Kết thúc phiên 24/6, chỉ số Dow Jones giảm 610,32 điểm (-3,39%), xuống 17.400,75 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 75,91 điểm (-3,59%), xuống 2.037,41 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 202,06 điểm (-4,12%), xuống 4.707,98 điểm.
Phiên lao dốc cuối tuần đã lấy đi hết toàn bộ nỗ lực của phố Wall trước đó và khiến phố Wall tiếp tục có tuần giảm mạnh. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 1,55%, chỉ số S&P 500 giảm 1,63% và Nasdaq giảm 1,92%.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, ngay khi mở cửa, các chỉ số chính đã rơi không phanh, trong đó chỉ số DAX tại Đức thậm chí có lúc đã giảm tới hơn 10% trước khi hồi dần và đóng cửa mất gần 7%. Chứng khoán Pháp cũng mất hơn 8%, trong khi khiêm tốn hơn, chứng khoán Anh chỉ thiệt hại hơn 3%.
Kết thúc phiên 24/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 199,41 điểm (-3,15%), xuống 6.138,69 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 699,87 điểm (-6,82%), xuống 9.557,16 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 359,17 điểm (-8,04%), xuống 4.106,73 điểm.
Tương tự, dù nỗ lực cả tuần, nhưng với phiên hoảng loạn cuối tuần do Brexit, chứng khoán châu Âu cũng chấp nhận tuần giảm điểm thứ 4 liên tiếp. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tăng 1,95%, chỉ số DAX giảm 0,77% và chỉ số CAC 40 giảm 2,08%.
Kết quả kiểm phiếu Brexit được các hãng thông tấn lớn tường thuật trực tiếp và gần như phe ủng hộ Brexit dẫn điểm ngay từ đầu. Với thông tin trực tiếp này, chứng khoán châu Á đã lao dốc sớm ngay khi mở cửa và duy trì đà giảm mạnh cho đến hết phiên. Trong đó, chứng khoan Nhật Bản có phiên giảm kỷ lục kể từ năm 2011.
Kết thúc phiên 24/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 1.286,33 điểm (-7,92%), xuống 14.952,02 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 609,21 điểm (-2,92%), xuống 20.259,13 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 38,33 điểm (-1,33%), xuống 2.853,63 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikke 225 giảm 4,15%, chỉ số Hang Seng tăng 0,44% và chỉ số Shanghai Composite giảm 1,09%.
Brexit đã gây hoảng loạn đối với giới đầu tư trên thị trường chứng khoán và dầu thô, nhưng lại là chất xúc tác cho các kênh đầu tư phòng ngừa rủi ro như vàng, USD, yên Nhật. Ngay khi mở cửa phiên châu Á, cũng là thời điểm những điểm bỏ phiếu đầu tiên ở Anh được kiểm với phần thắng thuộc về phe ủng hộ Brexit, giá vàng đã tăng dựng đứng 100 USD/ounce, từ dưới 1.260 USD/ounce, lên tới ngưỡng 1.360 USD/ounce trước khi chịu áp lực chốt lời và áp lực từ đồng USD tăng vọt, nên hạ nhiệt dần sau đó.
Trong phiên cuối tuần, cũng giống giá vàng, đồng USD cũng được nhiều nhà đầu tư lựa chọn là nơi trú ẩn, nên chỉ số USD Index đã tăng vọt 2,48%. So với đồng bảng Anh, đồng USD tăng 8,81%. Trong khi đó, đồng yên Nhật tăng 3,88% so với đồng USD và tăng tới 12,95% so với đồng bảng Anh.
Kết thúc phiên 24/6, giá vàng giao ngay tăng 59,3 USD (+4,72%), lên 1.315,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 56 USD (+4,43%), lên 1.319,1 USD/ounce.
Với những thông tin hỗ trợ không có gì tốt hơn là Brexit, giá vàng tiếp tục có tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 1,35%, giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 1,34%.
Với Brexit và viễn cảnh cuộc khủng hoảng toàn cầu có thể xảy ra, giới phân tích và nhà đầu tư tiếp tục có cái nhìn lạc quan về xu hướng của giá vàng trong tuần tới.
Trong cuộc thăm dò tuần này, có 470 người tham gia, trong đó có 290 người, chiếm 62% có quan điểm tích cực về giá vàng trong tuần tới, trong khi chỉ có 126 người, chiếm 27% dự báo giá sẽ giảm và 54 người, chiếm 11% giữ quan điểm trung lập.
Còn trong số 22 chuyên gia trả lời, có tới 16 chuyên gia, chiếm 73% dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, cao hơn so với mức 65% trong tuần trước. Chỉ có 3 chuyên gia, dự báo giá sẽ điều chỉnh và 3 người giữ quan điểm trung lập, chiếm 17%.
Với Brexit, khả năng cuộc khủng hoảng xảy ra đang lớn dần và nó khiến nhu cầu dầu thô sụt giảm mạnh. Đó là lý do khiến giá dầu thô cũng lao dốc như chứng khoán trong phiên cuối tuần và đánh mất hết những nỗ lực có được trước đó.
Kết thúc phiên 24/6, giá dầu thô Mỹ giảm 2,47 USD (-5,18%), xuống 47,64 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,5 USD (-5,16%), xuống 48,41 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 2,22% và giá dầu thô Brent giảm 2,71%.