Đã có nhiều tranh luận về việc liệu Brexit có dẫn đến hai khả năng hay không. Thứ nhất là “Brexit mềm”, tức là Anh ra khỏi EU, nhưng vẫn được tiếp cận thị trường chung châu Âu. Kịch bản thứ hai khắc nghiệt hơn, “Brexit cứng”, nghĩa là Anh sẽ đánh mất quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu và liên minh hải quan. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, ngay cả khi “Brexit cứng” xảy ra thì các công ty nước ngoài vẫn có thể tiếp tục đổ tiền đầu tư vào “xứ sở sương mù”.
Trên thực tế, Vương quốc Anh sở hữu một hồ sơ mạnh mẽ về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Anh, các nhà đầu tư ngoại quốc sở hữu số tài sản trị giá khoảng 10.600 tỷ bảng (13.500 tỷ USD), gấp 5 lần so với giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh và là minh chứng rõ nét cho thấy, quốc gia này vẫn là điểm đến đầu tư ưa thích hàng đầu trên quy mô EU, cũng như trên toàn cầu.
Một trong trong những công ty đang tìm cách mở rộng đầu tư tại Anh, cho dù kết quả của Brexit có như thế nào đi nữa, là Campaign Monitor, nhà cung cấp phần mềm tự động và tiếp thị thị trường thông qua hình thức thư điện tử tại Australia. Tuần qua, công ty này thông báo các kế hoạch mở cửa văn phòng giao dịch mới tại London để phục vụ tốt hơn các khách hàng châu Âu. Công ty này hiện sở hữu lượng khách hàng khổng lồ, trên khắp 25.000 công ty tại Anh.
Giám đốc điều hành (CEO) Campaign Monitor, Alex Bard khẳng định: “Rõ ràng, Brexit đã tạo ra những nhân tố bất ổn và không chắc chắn. Tuy nhiên, đối với chúng tôi, quyết định đầu tư tại Anh vẫn đem lại nhiều ý nghĩa vì lượng khách hàng mà chúng tôi phục vụ là rất lớn. Bên cạnh đó, chúng tôi muốn tăng cường sự gần gũi với khách hàng Anh để sẵn sàng giúp họ gặt hái thành công. Do đó, yếu tố Brexit là chưa đủ để khiến chúng tôi giảm bớt, hoặc thu hẹp đầu tư tại thị trường Anh”.
Nhiều công ty khác cũng đang theo đuổi hình mẫu tương tự như Campaign Monitor, bằng cách gia tăng sự hiện diện tại Anh. Richard Wilson, CEO của TIGA, một doanh nghiệp hoạt động trong ngành trò chơi cho rằng, mức thuế doanh nghiệp thấp nói riêng và toàn bộ hệ thống thuế tương đối ưu đãi nói chung là nhân tố từng kéo lực lượng lao động tay nghề cao tới Anh làm việc trong giai đoạn trước đây. Brexit sẽ không làm thay đổi sự hấp dẫn đáng kể của thị trường lao động nước này. Do đó, FDI đổ vào Anh sẽ vẫn ở mức độ cao trong thời gian tới.
Những tín hiệu về FDI có thể tích cực như vậy, song trong một nghiên cứu độc lập khác, “Brexit cứng” có thể khiến các công ty tài chính của Anh thiệt hại tới 38 tỷ bảng Anh (48,34 tỷ USD), đồng thời đồng bảng Anh sẽ chịu nhiều sức ép giảm giá hơn nữa. Đây chính là một phần nguyên nhân đẩy đồng bảng giảm giá mạnh trong những phiên giao dịch gần đây, khi có lúc rớt xuống mức thấp nhất trong hơn 30 năm qua.
Chuyên gia chiến lược ngoại hối tại Credit Suisse, Koon How Heng dự báo, áp lực xuống giá của đồng bảng vẫn chưa chấm dứt. Tỷ giá giữa đồng bảng Anh và USD có thể rớt xuống mức 1,25 USD/bảng trong thời gian tới, so với mức 1,27 USD/bảng hiện nay, thậm chí là thấp hơn nữa.
Chia sẻ quan điểm trên, một số nhà phân tích khác cũng cho rằng, sự suy yếu của bảng Anh có thể còn kéo dài, do thị trường đang đặt cược nhiều vào khả năng “Brexit cứng” hơn là “Brexit mềm”, nhất là sau những phát biểu cứng rắn của Thủ tướng Theresa May về lộ trình thực thi Brexit của nước Anh trong phiên họp thường niên của Đảng Bảo thủ mới đây. Theo đó, Anh có thể sẽ đẩy nhanh việc kích hoạt Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon để có thể ra khỏi EU trước thời điểm cuối quý I/2017.
“Điều đó cũng như một “nhát cắt” nhắc nhở giới đầu tư quay trở lại thực tế của câu chuyện Brexit. Từ giờ tới cuối năm, tỷ giá USD/bảng Anh có thể rớt xuống ngưỡng 1,2 USD/bảng. Nguy cơ ‘Brexit cứng’ tăng lên và đó là nhân tố tiêu cực đối với đồng nội tệ của Anh”, người đứng đầu Global FX Strategy, Vasileios Gkionakis dự đoán.