Với tư cách là những người đại diện cho cử tri cả nước, những ý kiến của đại biểu Quốc hội chính là tiếng nói, quan điểm và kỳ vọng của người dân về BOT trên diễn đàn chính thống và quan trọng bậc nhất này.
Ghi nhận những ý kiến chất vấn, có thể thấy một trong những bức xúc lớn của cử tri được các đại biểu Quốc hội đặt ra đối với một số dự án BOT thời gian qua chính là việc người dân - một bên chủ thể của giao dịch dân sự - chưa được tôn trọng đúng mức dù “đã thực hiện đúng quy trình”.
Trên thực tế, tư duy nhiệm kỳ (lãnh đạo thế hệ sau phủ nhận chủ trương, cam kết của thế hệ trước như trường hợp của Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, BOT Cai Lậy), thiếu thực chất trong lấy ý kiến người dân là bài học cả trong lĩnh vực BOT cũng như công tác dân vận.
Mối quan ngại thứ hai được nêu ra trên diễn đàn Quốc hội là việc có không ít dự án chưa đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Việc đại biểu Quốc hội nghi vấn về một số dự án BOT “thấy mới chỉ toát lên là dân chịu thì thu, dân không chịu lại dừng, giảm giá. Sau đó thuyết phục, rồi lại thu. Như thế đã vì lợi ích của dân chưa?” là chất vấn rất đáng chú ý.
Điều này phần nào phản ánh được tâm tư của người dân đối với một số dự án BOT triển khai trên đường độc đạo hoặc vị trí đặt trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án, hạn chế sự lựa chọn của người sử dụng.
Thực tế không riêng tại Việt Nam, lợi ích mà người tham gia giao thông được hưởng lớn hơn số phí bỏ ra chính là thước đo quan trọng nhất để khẳng định một dự án BOT có ích hay thành gánh nặng cho cộng đồng.
Điều đáng tiếc là, vì nhiều lý do, những số liệu phân tích thiệt hơn cho từng công trình BOT để thuyết phục người tham gia giao thông đã không được các cơ quan quản lý đánh giá và công bố đầy đủ.
Mối quan ngại đáng chú ý thứ ba được các đại biểu Quốc hội nêu ra là việc thiếu chuẩn chung mang tính pháp quy cao hoặc không công khai thông tin, kết quả các cơ sở tính phí, nhất là kết quả thẩm định và kiểm toán độc lập, khách quan các số liệu trong dự toán, cũng như trên thực tế trước và sau khi dự án hoạt động dễ tạo kẽ hở cho sự tùy tiện, cho sự lạm dụng.
Điều này còn làm nảy sinh những nghi ngại về độ chính xác, hợp lý của mức phí, của thời gian thu phí, đối tượng thu phí.
Cần phải nói thêm rằng, 2 ngày trước khi diễn ra phiên chất vấn, trong báo cáo các vấn đề liên quan đến nhóm nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực quản lý được gửi tới các đại biểu Quốc hội, Bộ Giao thông - Vận tải thẳng thắn thừa nhận có tới 6 nhóm bất cập trong công tác triển khai các dự án BOT thời gian vừa qua, đồng thời cam kết sẽ có giải pháp xử lý triệt để.
Mặc dù vậy, bên cạnh trách nhiệm giải trình, việc tiếp thu những ý kiến chất vấn thẳng thắn này chính là cơ hội hiếm có để Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục tiến hành rà soát lại toàn bộ dự án BOT, hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, của người dân..
Ở góc độ khác, đây cũng là điều kiện cần thiết để các nhà đầu tư củng cố thêm niềm tin đối với một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và cũng là giải pháp tất yếu để phát triển kết cấu hạ tầng trong điều kiện nguồn lực của đất nước còn hạn chế như hiện nay.