So với thời điểm Masan mua thương hiệu Vinacafe hơn 10 năm trước, thì dường như lúc này, khi Masan nắm chuỗi phân phối Vinmart, việc Masan mua một thương hiệu sản phẩm nào cũng thấy hợp lý.
Nếu bước chân vào Siêu thị Sài Gòn Coop, có rất nhiều mặt hàng như miến, chất tẩy rửa, thực phẩm... mang thương hiệu Coop, nhãn hàng riêng của nhà phân phối này, có thể thấy việc Masan gia tăng sở hữu các nhãn hàng tiêu dùng thiết yếu là tất yếu.
Vấn đề chỉ là Masan lựa chọn sản phẩm ngành hàng nào.
Chào mua Bột giặt Net được cho là một lựa chọn đúng.
Đứng trước hai đối thủ cạnh tranh lớn là Unilever và P&G, mà đại diện là hai nhãn hàng bột giặt Omo và Ariel “làm mưa làm gió” trên tất cả các kênh quảng cáo cùng rất nhiều thương hiệu nội địa về sản phẩm tẩy rửa, thì Bột giặt Net vẫn tăng trưởng đều đặn hàng năm 5%.
NET có các sản phẩm bột giặt, nước giặt, nước rửa chén, nước lau sàn, nước xả vải, nước tẩy nhà tắm, với doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng và lợi nhuận 50 tỷ đồng, theo kế hoạch năm 2019.
Đáng chú ý, gần 32% doanh thu của NET đến từ xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường như Úc, New Zealand, các nước ASEAN, châu Mỹ, châu Phi và đạt tiêu chuẩn xuất sang Nhật Bản. Ngoài ra, Công ty còn gia công cho các thương hiệu khác.
Chiến lược của NET là sản phẩm chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Khảo sát trên thị trường cho thấy, giá sản phẩm sản phẩm NET bằng khoảng 2/3 so với giá thương hiệu lớn của nước ngoài.
Thị phần hiện tại của NET trong ngành hàng bột giặt là 1,5%, trong khi dẫn đầu thị trường là Unilever với 54,9% thị phần, P&G 16%, Đại Việt Hương 11,6%, LIX 2,7%, Vico 2,4%.
Sản phẩm tốt của NET kết hợp với khả năng marketing của Masan và sức mạnh hệ thống phân phối Vinmart, sản phẩm NET sẽ là đối trọng đáng ngại cho Unilever và P&G.
Khó để thấy sản phẩm NET xuất hiện ở vị trí đẹp trên quầy hàng siêu thị Big C, Coop Mart, nhưng rồi đây, trong hệ thống siêu thị Vinmart, NET sẽ xuất hiện ở những vị trí đẹp nhất, nơi khách hàng dễ nhìn thấy.
Thị phần còn nhỏ của NET trong ngành tẩy rửa được kỳ vọng sẽ tăng mạnh.
Sự kết nối tạo ra giá trị công hưởng là lý do giải thích vì sao Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (MCH) công bố, Masan HPC - công ty thành viên vừa được thành lập thuộc ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình đưa ra đề nghị chào mua công khai lên đến 60% cổ phần NET, với giá 48.000 đồng/cổ phiếu, tương đương định giá Công ty ở mức 46 triệu USD và chỉ số giá trên thu nhập (P/E) xấp xỉ 19 lần.
Theo Masan, chăm sóc cá nhân và gia đình là một trong những lĩnh vực lớn và hấp dẫn tại Việt Nam, với giá trị thị trường khoảng 3,1 tỷ USD và có nhiều cơ hội phát triển nhanh chóng để xây dựng các thương hiệu nội địa vững mạnh.
NET là điểm khởi đầu chiến lược để Masan xây dựng nền tảng đa dạng hóa các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình.
Vấn đề là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) - cổ đông lớn của NET có đồng ý bán cổ phần cho Masan?
NET có vốn điều lệ 223 tỷ đồng do Vinachem sở hữu 51%. Tháng 7/2019, tập đoàn này đã bán đấu giá công khai 3,359 triệu cổ phần NET, giảm sở hữu từ 51% xuống 36%.
Đáng chú ý, có 5 cá nhân đặt mua số cổ phần tương đương nhau, tổng cộng bằng khối lượng chào bán. Kết quả, cả 5 cá nhân này trúng đấu giá cổ phần NET, với giá bằng giá khởi điểm 30.900 đồng/cổ phần.
Nhiều ý kiến cho rằng, thương vụ chào mua công khai NET của Masan đã được chuẩn bị trước và thành công một nửa, một nửa còn lại phụ thuộc vào quyết định của Vinachem.
Với chủ trương thoái vốn nhà nước và giá chào mua hợp lý, khả năng cao là Masan sẽ thành công trong thương vụ chào mua này.