Ông Johnson đã trải qua một tuần hỗn loạn nhất trong lịch sử chính trị Anh, khiến ông mất thế đa số trong Quốc hội, và khả năng yêu cầu Quốc hội cho phép tiến hành cuộc bầu cử mới.
Tuần này hứa hẹn những diễn biến còn gay cấn hơn, khi thủ tướng Anh “sa lầy” trong những lựa chọn toàn ngõ cụt, theo South China Morning Post.
Thủ tướng Anh Boris Johnson và chiến dịch rời khỏi EU của ông đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng. Ảnh: AP.
Chìm sâu trong khủng hoảng
Công đảng đối lập đã bỏ phiếu chống lại đề xuất tổng tuyển cử của thủ tướng, vốn phải cần 2/3 số phiếu để thông qua.
Cùng ngày 9/9, dự luật do phe đối lập đưa ra, cấm việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận, đã được hai viện Quốc hội thông qua.
Điều này buộc ông Johnson phải đạt được thỏa hiệp với EU thì mới có thể rời EU. Nếu không làm được điều này trước khi các lãnh đạo EU nhóm họp ngày 19/10, ông sẽ phải xin gia hạn hạn chót 31/10 thêm ít nhất ba tháng nữa - điều mà ông Johnson đã nói “thà chết trong rãnh nước” còn hơn.
Nếu muốn giữ lời hứa rời EU bằng mọi giá, thỏa thuận hay không thỏa thuận, ông sẽ phải phạm luật. Và mỗi ngày trong tuần qua là một tổn thất mới cho vị thủ tướng Anh.
Ngày 3/9, một nghị sĩ từ bỏ đảng Bảo thủ của ông, khiến ông mất đi đa số trong Quốc hội. Đến ngày 4/9, chính phủ của ông thất bại 301-328 phiếu khi bỏ phiếu dự luật cấm Brexit không thỏa thuận.
Ông Johnson sau đó đã kêu gọi tiến hành tổng tuyển cử, nhưng không giành đủ 2/3 số phiếu để được Quốc hội cho phép. Đến ngày 5/9, em trai ông, Jo Johnson, Bộ trưởng phụ trách khoa học và giáo dục, người theo chủ trương ở lại EU, tuyên bố từ chức vì không muốn chọn lựa giữa trung thành với anh trai và lợi ích quốc gia.
Sang ngày 6/9, thủ tướng Anh vẫn chưa hết rắc rối khi các quan chức cảnh sát cấp cao cáo buộc ông lợi dụng lực lượng cảnh sát cho mục đích chính trị. Trong một buổi chụp hình với các sĩ quan cảnh sát nhằm tuyên bố sẽ tăng cường lực lượng, ông đã phát biểu về Brexit.
Tới ngày 7/9, Amber Rudd, Bộ trưởng phụ trách việc làm và lương hưu, tham gia phe chống đối và từ chức, đồng thời rời bỏ đảng Bảo thủ.
Một nữ cảnh sát bị ngất giữa bài phát biểu của ông Johnson, khiến dư luận chú ý đến buổi chụp ảnh với cảnh sát và phát biểu về Brexit của ông. Ảnh: AFP.
Những lựa chọn ít ỏi
Liên tiếp chịu những tổn thất về chính trị, Thủ tướng Boris Johnson giờ đây chỉ còn vài lựa chọn và dường như không hướng nào là dễ dàng.
Ông có thể cố đạt thỏa thuận với EU, tận dụng lại các thỏa thuận từ thời cựu thủ tướng Theresa May, nhưng như vậy sẽ tạo sự phẫn nộ từ các nghị sĩ Bảo thủ cứng rắn muốn Brexit không thỏa thuận. Hơn nữa, dù ông Johnson luôn nói chính phủ và EU đang đối thoại tốt đẹp, phía Brussels lại tiết lộ rằng không có thêm cuộc thảo luận nghiêm túc nào.
Ông Johnson có thể làm ngơ dự luật sắp được thông qua, và cứ rời khỏi EU mà không có thỏa thuận. Nhưng các nghị sĩ đối lập, và ngay cả các nghị sĩ trong đảng của ông, đã đe dọa kiện ông ra tòa.
Ông Johnson rời văn phòng chiến dịch tranh cử vào tháng 7. Ảnh: Reuters.
“Đây là luật, dù ông có là thủ tướng hay là công dân nghèo nhất ở nước Anh”, cựu phó thủ tướng Michael Heseltine nói ngày 7/9.
“Không có ngoại lệ nào. Bạn không thể nói rằng ông quyền lực hơn người khác, hay ông ấy tốt tính hay ông ấy vui đùa, nên chúng ta bỏ qua. Nếu cứ hành động (đơn phương) như vậy, thì một nhà độc tài sẽ cứ tiếp tục làm vậy”.
Ken MacDonald, cựu giám đốc viện công tố, nói với Sky News rằng một bước đi như vậy của ông Johnson sẽ ngang với việc coi khinh tòa án, dẫn đến đi tù.
Chuyên gia hiến pháp Hannah White, Phó giám đốc Viện Chính phủ, một viện nghiên cứu ở Anh, nói nếu ông Johnson phá vỡ luật pháp, nhiều khả năng Nữ hoàng Elizabeth sẽ sa thải ông.
Lựa chọn khác của thủ tướng có thể là từ chức, có nghĩa ông sẽ là người từ chức thủ tướng sớm nhất trong lịch sử, phá kỷ lục 119 ngày của cựu thủ tướng George Canning.
Nhưng điều đó không phải dễ. Theo đạo luật năm 2011, ông sẽ phải yêu cầu một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Phe đối lập thậm chí có thể không cho phép ông từ chức, để cho ông Johnson “khổ sở” trong cương vị.
Một lựa chọn khác ít được nhắc đến là ông Johnson có thể công bố cuộc trưng cầu dân ý khác về Brexit.
Như vậy sẽ gây phẫn nộ trong số những người cứng rắn của đảng Bảo thủ, nhưng ông có thể kết thúc sớm mọi tranh cãi về Brexit, đồng thời có thể tại vị, nhưng với một Quốc hội mà phe đối lập chiếm đa số.
Người biểu tình phản đối việc ông Boris Johnson nhất quyết đưa nước Anh ra khỏi EU không thỏa thuận. Ảnh: AFP.
Cựu thủ tướng Harold Wilson từng nói một tuần là khoảng thời gian dài đối với chính trị. Đối với ông Johnson, tuần trước tưởng như đã kéo dài vô tận.
Và nước Anh tiếp tục nín thở xem tuần này sẽ có diễn biến gì.