Theo đó, dịch vụ bản đồ của Google sẽ hiển thị tình trạng giao thông trên các tuyến phố tại một số thành phố lớn, cho phép người dùng dễ dàng định hình, sắp xếp lộ trình.
Phân tích về cơ chế hoạt động của Google Traffic, Amanda Leicht Moore, Giám đốc sản phẩm của Google Maps, giải thích rằng: Với tất cả điện thoại Iphone có sử dụng Google Maps và điện thoại dùng hệ điều hành Android, khi người dùng bật tính năng xác định vị trí thì dữ liệu đó sẽ được gửi về cho Google. Hệ thống dữ liệu này sẽ cho phép Google ước tính tổng số xe đang lưu thông trên đường, với thông tin cụ thể về địa điểm, thời gian và vận tốc, từ đó hiển thị mật độ lưu thông.
Theo đó, trên màn hình hiển thị ứng dụng Google Maps, tình trạng giao thông sẽ được biểu thị bằng các màu sắc khác nhau: màu xanh lá thể hiện mật độ lưu thông ít, đường thông thoáng; màu cam và màu đỏ sẽ tương ứng với mật độ xe cộ đông đúc tăng dần.
Trước khi mở tiện ích Google Traffic tại Việt Nam, Google Maps đã triển khai tính năng này ở nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Singapore, Đức... Tại các nước này, dữ liệu được cập nhật theo thời gian thực, đặc biệt chính xác vào giờ cao điểm.
“Chúng tôi có thể báo trước cho bạn biết nếu có ùn tắc giao thông ở đoạn đường phía trước và ước tính việc đó sẽ tốn thêm 5 phút, 10 phút hay 40 phút đối với lộ trình của bạn”, Amanda Leicht Moore cho biết.
Google Traffic thậm chí có thể thông báo về một cuộc đua marathon đang diễn ra tại một thành phố, dựa trên vận tốc di chuyển nhanh hơn bình thường của một nhóm người lớn, trong khi trên đường không có chiếc xe nào.
Moore nói thêm rằng, một trong những ưu tiên hàng đầu của Google Maps hiện tại là khiến cho người dùng tin tưởng rằng Google Maps đang chỉ dẫn cho họ lộ trình hợp lý nhất và nhanh nhất.
Trở lại thời điểm năm 2005, Google Maps khi đó chỉ là một công cụ chỉ đường đơn giản mới ra mắt và còn nhiều hạn chế. Trong hơn một thập kỷ qua, Google Maps đã được tích cực nghiên cứu và phát triển, chiếm ngôi vị số 1 trong dịch vụ bản đồ số.
Để các tính năng ngày càng tiện lợi và ưu việt hơn, đội ngũ phát triển sản phẩm của Google Maps đã luôn cố gắng hiện thực hóa những ý tưởng táo bạo nhất. Những cái tên đã góp công cho sự hoàn thiện của Google Maps hiện tại không thể không kể đến Larry và Sergey, hai nhà đồng sáng lập Google và hai anh em Lars và Jens Rasmussen Eilstrup - những người đầu tiên đặt nền móng cho Google Maps.
Trong vài năm trở lại đây, nói đến bộ phận phát triển Google Maps, cái tên nổi bật hơn cả lại là Amanda Leicht Moore. Nắm trong tay bằng cử nhân ngành Kỹ thuật và khoa học máy tính tại đại học Pennsylanva (Mỹ), cô bắt đầu bước vào Google từ năm 2007 ở vị trí thực tập sinh, và hiện tại là Giám đốc sản phẩm của Google Maps.
“Tôi đã nhìn thấy tiềm năng phát triển của Google Maps từ giai đoạn trứng nước. Tại Google, mục tiêu đặt ra luôn là truyền tải thông tin chính xác trên toàn thế giới và đó cũng là cách mà Google Maps được bắt đầu”, Moore nói, “Chúng tôi vẫn đang suy nghĩ rất nhiều về việc làm thế nào để khiến cho cuộc sống hàng ngày của mọi người trở nên dễ dàng hơn. Trong thực tế, cuộc sống hàng ngày vốn rất nhiều căng thẳng, với hàng loạt câu hỏi: Liệu chuyến tàu của tôi có đến đúng giờ? Tôi nên đi đường nào để đến công ty? Tôi nên ăn trưa ở đâu?… Chúng tôi nghĩ rằng Google Maps có thể giúp cho các quyết định dễ dàng hơn, và làm cho bạn thấy thoải mái hơn về nơi mà mình đang đi tới.”
Nắm bắt và hiểu sâu về nhu cầu thực tế của người dùng, Moore và các cộng sự của mình đã liên tục cải tiến Google Maps, cập nhật thêm nhiều tính năng hữu hiệu như: đánh dấu điểm khởi hành và đích đến, xem thông tin thời tiết tại thời điểm hiện tại của các thành phố trên thế giới, tìm kiếm nhà hàng theo phong cách ẩm thực, thêm chỉ dẫn vào lịch cá nhân, chia sẻ đường đi cho bạn bè…
Trong một cuộc phỏng vấn trên Businessinsider vào dịp Google Maps tròn 10 tuổi, trước câu hỏi rằng liệu mọi người có ngạc nhiên không khi giám đốc sản phẩm của Google Maps là phụ nữ, bởi vì phụ nữ vốn được gán với định kiến là không giỏi về đường sá cho lắm, Moore đã tươi cười trả lời: “Thành thật mà nói, tôi thực sự không có khả năng xác định phương hướng, nhưng dường như đó lại chính là lợi thế, bởi tôi luôn luôn phải sử dụng sản phẩm của mình”.