Sau trận đấu lượt đi trận Việt Nam - Thái Lan, trên khắp các trang báo, người ta nhắc đến Dương Hồng Sơn như thủ môn xuất sắc nhất, Công Vinh - cầu thủ số 1 hay Vũ Phong, người ghi bàn thắng đầu tiên cho đội tuyển Việt Nam được nhận 3.000 USD tiền thưởng… Nhưng tôi tự hỏi, liệu những cầu thủ khác có cảm thấy tủi thân khi thành quả là sự kết tinh từ sức mạnh đồng đội? Cũng may, chiếc cúp vô địch đã phần nào đền đáp xứng đáng hơn công lao của các cầu thủ còn lại, những người góp phần quan trọng vào thành công chung, nhưng hiếm khi được khen ngợi riêng.
Bất chợt, tôi nhớ đến những người làm chính sách, những người làm đào tạo… và cả những người dám mạnh dạn đi đầu trong lĩnh vực chứng khoán. Khi TTCK đi lên, người ta khen tặng những doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn, có cổ phiếu tăng giá mạnh, những NĐT kiếm được nhiều tiền, không thấy ai "để mắt" tới những người dám chấp nhận mất tiền để đi đầu cuộc chơi, những người ngày đêm tạo cuộc chơi, cố gắng duy trì một cuộc chơi bình đẳng.
Hồi tháng 5/2008, khi TTCK bất ngờ giảm mạnh và kéo dài, nhiều NĐT kéo lên UBCK để yêu cầu một sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý. Một quan chức UBCK trả lời rằng: "Xuống hay lên là do TTCK. Lúc các anh thắng, có ai nói cảm ơn chúng tôi? Giờ TTCK đi xuống, các anh đến đây trách cứ chúng tôi sao?". Thoáng nghe, câu trả lời có thể là vô tâm, nhưng tôi hiểu rằng, bản thân họ cũng chẳng được ăn ngon ngủ yên suốt những ngày TTCK lao dốc. Thậm chí, một vị lãnh đạo UBCK còn chia sẻ với đồng nghiệp của tôi rằng, suốt gần 1 tuần đi công tác nước ngoài, ban ngày anh làm việc, còn đêm thức xem TTCK Việt Nam giao dịch.
Rất nhiều NĐT, trong đó có cả tôi, đã không ít lần trách cứ cơ quan quản lý tại sao không thế này, sao không thế kia để TTCK khỏi rơi vào thảm cảnh. Nhưng mỗi lần tiếp xúc trực tiếp, nghe những khó khăn từ phía cơ quan quản lý, tôi lại cảm thấy mình khó xử! Trách ai, trong khi NĐT đang khổ sở vì mất tiền, cơ quan quản lý thì đau đầu vì chịu áp lực từ NĐT và cả cơ quan quản lý cấp cao hơn?