Tham gia thị trường thì phải chấp nhận rủi ro, có chơi không có chịu là không sòng phẳng.

Tham gia thị trường thì phải chấp nhận rủi ro, có chơi không có chịu là không sòng phẳng.

Bóng đá và chứng khoán: Trọng tài không được thiên vị

(ĐTCK-online) Bóng đá là môn thể thao vua, là môn thể thao phổ biến ở hầu hết các quốc gia và thu hút hàng tỷ fan hâm mộ trên thế giới. TTCK cũng là kênh đầu tư phổ biến ở hầu hết các quốc gia và ở nhiều nước, nó là một dạng đầu tư phổ biến không khác gì tiết kiệm, là yếu tố cấu thành cơ bản của cấu trúc tài chính cá nhân (personal finance). Và một điều căn bản tìm thấy ở hai lĩnh vực tưởng chừng không liên quan gì đến nhau này, đó chính là niềm tin.

Bóng đá và chứng khoán: giống nhau nhiều mặt, nhất là cách hành xử khi có khủng hoảng

Về căn bản, đội bóng cũng giống như một cổ phiếu công ty: đội bóng có fan hâm mộ thì cổ phiếu có nhà đầu tư; đội bóng cũng có nhà quản trị (manager) như công ty phát hành cổ phiếu và thành tích (performance) của nó cũng… khó đoán như giá cổ phiếu.

Thứ nhất, thử bàn về fan hâm mộ và nhà đầu tư. Giống như bóng đá có người hâm mộ, thì nhà đầu tư chứng khoán cũng là những người yêu thích một số cổ phiếu nhất định tại một thời điểm. Fan hâm mộ có thể chuyển từ Juventus sang ủng hộ AS Roma, từ ưa thích Quỷ đỏ MU sang gã nhà giàu Chelsea . Nhà đầu tư cũng vậy, hôm nay thích cổ phiếu công nghệ kiểu FPT, mai ưa thích cổ phiếu ngân hàng như VCB. Bóng đá có những cổ động viên trung thành, cả đời ủng hộ Barcelona hay Real Madrid thì trên thế giới vẫn có những nhà đầu tư cả đời chỉ giữ cổ phiếu của Microsoft hay IBM. Tại Việt Nam , vẫn có những nhà đầu tư kiên trung với cổ phiếu ngành ngân hàng, cho dù hiện nay loại cổ phiếu này không được ưa chuộng như trước. Và một trong những nguyên nhân khiến một cổ phiếu hay một đội bóng tồn tại là có nhà đầu tư, có fan hâm mộ tin tưởng vào nó. Đây là sự tồn tại cơ bản của TTCK và bóng đá.

Thứ hai, là về ban lãnh đạo. Đội bóng muốn tốt thì phải có đội ngũ lãnh đạo giỏi, thuê mướn được ban huấn luyện thạo việc và có tiền đào tạo, mua cầu thủ xuất sắc. Nó tương ứng với việc công ty phải có HĐQT có năng lực định hướng, dẫn dắt công ty đi đúng hướng, có đội ngũ ban điều hành tài giỏi điều hành hoạt động và có tài chính vững mạnh để thu hút đội ngũ nhân viên xuất sắc và vận hành hoạt động kinh doanh. Thế nên, một đội bóng giống như một cổ phiếu, cũng tồn tại những vấn đề như xung đột giữa lợi ích lãnh đạo đội bóng với huấn luyện viên (tương ứng vấn đề điều hành công ty - corporate governance và vấn đề đại diện - agency problem); cũng có những vấn đề cần tới tiền (quản trị tài chính - financial management) và cần phải quản trị nhân sự (human resources management).

Thứ ba, là về biểu hiện của đội bóng và giá cổ phiếu. Không ai có thể đảm bảo Real Madrid với một “dải thiên hà” như Zidan, Figo, Beckham, hay Barcelona có Messi, Henry và Ronaldinho sẽ luôn chiến thắng. Thất thường của đội bóng cũng giống như thất thường của giá cổ phiếu, chính vì thế mà người ta gọi độ biến động giá cổ phiếu là “volatility” tức là thất thường, dễ bay hơi. Có lên, phải có xuống và cái lên xuống ấy rất khó đoán, đó là quy luật. Mà hình như chính cái quy luật ấy lại tạo ra ma lực hấp dẫn người ta đến với chứng khoán hay bóng đá.

Khi chiến thắng thì cổ động viên vui mừng, khi thất bại thì cổ động viên phản đối, đòi sa thải ban huấn luyện, đòi chủ tịch từ chức. Âu đó cũng là quy luật. Cũng vì thế mà phải nhận ra một quy luật: dù việc tăng giá cổ phiếu có biến nhà đầu tư thành tỷ phú hay tỷ tỷ phú, thì chỉ cần cổ phiếu sụt giảm 10 - 20%, họ cũng tìm ai đó để chỉ trích, từ cách điều hành doanh nghiệp đến chính sách. Giống như đội Anh thua trận thì từ huấn luyện viên McClaren đến Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) đều bị chỉ trích. Đó là một quy luật của những cấu trúc vi mô dựa trên niềm tin như bóng đá hay TTCK.

Vấn đề là người ta sẽ phải đối mặt với các sức ép dư luận ấy như thế nào. Có ai bị cách chức, sa thải, có ai dám đứng ra nhận trách nhiệm và bình tĩnh đi tìm huấn luyện viên mới, xây dựng lại đội tuyển hay là đổ lỗi lẫn nhau và hoảng loạn chạy theo dư luận. Nhìn vào cách hành xử trước một sự kiện động trời của bóng đá Anh là bị loại khỏi Euro 2008, có lẽ ta rút ra nhiều điều cho TTCK Việt Nam . Người ta cũng tìm ai đó ra chịu tội (McClaren), chứ FA - dù bị nhiều tờ báo cho là thủ phạm chính gây ra thất bại đội tuyển Anh, cũng cứ lờ đi. Điều này sao thấy giống trường hợp hành xử với thất bại vừa rồi của tuyển Việt Nam như vậy, mà lại cũng giống cách mà người ta đối với thị trường, đổ lỗi cho vốn ngoại vào nhiều quá, cho IPO doanh nghiệp lớn... Âu là, ở đâu thì cũng vậy, tìm nguyên nhân nào ai cũng thấy được, đụng đến được, và xử lý được mà… xử vậy.

 

Bóng đá cũng như chứng khoán: minh bạch, công bằng và không thiên vị

Đây là nguyên tắc tồn tại của bóng đá và chứng khoán. Vì tồn tại dựa trên niềm tin của cổ động viên và nhà đầu tư, bóng đá và chứng khoán không được đánh mất niềm tin của fan hâm mộ và nhà đầu tư. Mà nếu không muốn làm xói mòn niềm tin thì không được để gian lận, không công bằng, thiếu minh bạch. Bất kỳ người hâm mộ bóng đá chân chính nào cũng không muốn ủng hộ một đội bóng thường xuyên bán độ, lem nhem chuyện đầu tư nội bộ, hay mua chuộc trọng tài. Và không một người hâm mộ chân chính nào chấp nhận một nền bóng đá còn nhiều tiêu cực, đá giả, diễn kịch, trọng tài bắt không đúng lương tâm. Cũng vậy, không nhà đầu tư nào chấp nhận một thị trường, mà trong đó tồn tại nhiều giao dịch nội gián, “trọng tài” thỉnh thoảng cứ can thiệp vào thị trường bảo bắt mua cái này, không bán cái kia. Vai trò trọng tài là phạt cầu thủ chơi tiểu xảo, chơi xấu, phạm luật, các huấn luyện viên không tuân thủ quy tắc thật nặng, thật nghiêm. Trọng tài là không được thiên vị.

Vì vậy, trọng tài hay người điều hành thị trường phải giữ vai trò công minh, phạt nặng đội bóng chơi xấu và doanh nghiệp làm bậy, chứ không thể can thiệp vào thị trường kiểu “cứu thị trường”. Không một lý thuyết nào cho thấy, kiểu can thiệp như vậy có thể “cứu thị trường” lâu dài. Đương nhiên, trên thực tế, đâu đó chúng ta vẫn thấy có những sự cố về trọng tài thiên vị trong bóng đá thế giới (mà ở Việt Nam thì còn nhiều hơn). Tuy nhiên, điều đó không giúp cho đội bóng được thiên vị đi xa và về lâu dài, nhiều dẫn chứng lịch sử cho thấy, trọng tài và đội bóng được thiên vị đều phải trả giá. Chắc chắn, chúng ta không muốn điều ấy lặp lại trên TTCK.

Cuộc chơi phải “sòng phẳng”, nói như Phó tổng giám đốc SCIC Lê Song Lai, là đáng lưu ý. Sòng phẳng ở đây không hiểu theo nghĩa hẹp là sòng phẳng trong chuyện cứu thị trường, mà là sòng phẳng trong nghĩa công bằng, một đặc tính quan trọng của TTCK lành mạnh. TTCK có lên phải có xuống, giống MU có thắng, phải có thua. Khi thắng người người mua nhà mua xe, khi thua thì kêu cứu, ấy là không đúng. Tham gia thị trường thì phải chấp nhận rủi ro, có chơi không có chịu là không sòng phẳng. Nhưng mà người điều hành thị trường cũng phải sòng phẳng, chứ giá lên cho người ta mua lên, cho vay tiền, giá xuống người ta không có công cụ phòng ngừa, không được bán khống, còn bị siết tiền vay mua chứng khoán; ấy cũng là không sòng phẳng.

 

Đầu tư nước ngoài vào bóng đá và chứng khoán: phải biết cách nhận tiền và xài tiền

Cũng như bóng đá, chứng khoán nhận được nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Vấn đề là giống như bóng đá, không phải có tiền là có tất cả. Không thể phủ nhận Chelsea đã có những biến đổi cực nhanh và được nâng lên tầm cao mới, nhờ những đồng rúp của tỷ phú người Nga Abramovich, nhưng Liverpool thì lại không thành công dù được chi cũng không ít tiền từ hai ông chủ người Mỹ hay tình trạng không có gì gọi là thành công của “nhà giàu mới” West Ham. Ngay cả Chelsea cũng đã bắt đầu bị bắt bài, sau khi hiệu ứng từ những đồng rúp đã bị Arsenal hay MU tìm ra đối sách. Như vậy, nhận nguồn vốn từ đầu tư nước ngoài vào TTCK chắc chắn có tác động tốt nhất định (không nhỏ) đến thị trường. Nhưng biến nó thành quá lớn thì một ngày nào đó, khi dòng vốn đó rút ra, chúng ta sẽ trượt dài như Câu lạc bộ Leeds United. Tiền đầu tư nước ngoài không thể là cứu cánh mãi cho một tổ chức xài tiền thiếu hiệu quả.

Arsenal hay MU không hề bỏ ra nhiều tiền như Chelsea , nhưng họ vẫn thành công, đó mới là điều đáng nói. Điều này phản ánh, có thể một cổ phiếu hay một thị trường sẽ lâm vào khủng hoảng (giống Serie A cách đây 2 năm). Nhưng rồi nó sẽ phục hồi, dựa vào nội lực và cách tiêu tiền hợp lý, chứ không chỉ dựa vào lượng tiền khổng lồ từ bên ngoài vào. Năng lực mình đến đâu thì nhận đầu tư đến đó, chứ nhận nhiều quá thì hóa ra thành không hấp thụ nổi số tiền lớn quá, đem mua cầu thủ lung tung kết quả càng ngày càng trượt dần từ giải ngoại hạng đến giải hạng nhất, rồi hạng nhì như điển hình nhiều câu lạc bộ ở Anh vài năm qua. Nó cũng giống như doanh nghiệp nhận vốn đầu tư nước ngoài từ chứng khoán, rồi lại đem tiền đi chơi chứng khoán, đầu tư bất động sản mà không tập trung vào phát triển nội lực.

Năm ngoái, Việt Nam là một thị trường ngôi sao, ai cũng muốn đầu tư vào. Năm nay, vị trí này liệu có còn giữ được? Đây là một bài học về vấn đề phát triển. Nếu đến lúc này mà không tỉnh táo nhận ra mình cần phải củng cố nội lực, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và trình độ vận hành thị trường, nhất là khung pháp lý cho phép thị trường tự vận hành và giám sát (self regulation) cho hiệu quả để hấp thụ tốt nguồn vốn, nhằm tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước mà cứ lo cứu thị trường, thì chỉ là tạo tiền đề cho mình rớt từ giải ngoại hạng xuống giải hạng thấp hơn mà thôi.