Nhà tôi ở lưng chừng trời, có ban công nhỏ hướng ra một cánh đồng lộng gió. Cánh đồng tuy bị bỏ hoang từ lâu, nhưng nghe nói đất ở đây đã được quy hoạch gọn gàng hết cả. Chỗ này mai sau sẽ là khu biệt thự liền kề, chỗ kia là tòa nhà cao 30 tầng.
Có lẽ vài năm nữa, khi các công trình xây dựng khởi động, từ ban công nhà mình, tôi có thể thấy cả dòng chảy hối hả của cuộc sống đô thị ngoài kia. Còn bây giờ, ban công lộng gió vẫn giúp tôi có được những giây phút thư thái, ấm áp trong yên bình. Nếu may mắn thì có thể nghe thấy tiếng chim hót và tiếng chuông chùa ngân vang cùng một thời điểm.
Hôm nay dậy sớm ra ban công uống café như mọi khi, chút gió heo may ùa về làm đất trời dễ chịu hơn hẳn. Con người cũng trở nên khỏe khoắn hơn. Tự nhiên nổi hứng, tôi muốn làm một điều gì đó mới mẻ cho căn nhà của mình. Coi như đây là sự chuẩn bị cho những ngày gió mùa đương tới.
Sự thay đổi này không phải là những cuộc đại tu tốn kém, mà chỉ là thêm vài bức tranh vào ô tường còn trắng sơn, hay thêm vài chậu hoa vào phòng khách, nhà bếp... cho sinh động. Ngay cả cái ban công trống trơn này mai đây cũng có thể đầy hoa lá. Để sự hứng khởi không bị thui chột với guồng quay công việc cuối năm, tôi lập tức vào nhà mở máy tính và bắt đầu lên kế hoạch.
Cuộc dạo chơi của cây xanh nơi giữa trời bắt đầu.
Đầu tiên là cái ban công rộng 7 m2. Đâu phải chỉ nhà đất mới có thể trồng cây. Với nhà chung cư mà biết dành dụm thì khoảng trống nhỏ nơi ban công như vậy vẫn đủ chỗ cho hoa và cây cảnh. Chỉ có điều để lưng chừng trời có được chút màu xanh thì không phải chuyện tự nhiên có được, mà thực sự cần đôi tay của con người.
Ban đầu tôi chọn trồng rau. Có rất nhiều gia đình ở thành phố vẫn còn lưu giữ văn hóa trồng rau ở nông thôn bằng những hộp rau sạch trên sân thượng hoặc ban công. Chúng có nhiều tác dụng: Vừa làm mát nhà, vừa dùng để ăn và đôi khi cũng là tấm mành hiệu quả nhất để che khuất mấy cái bình nước inox.
Nhưng xót xa thay, những thân cây bạc hà, cây kinh giới, cây hẹ, cây húng chanh được tôi trồng xuống chưa kịp xanh đã héo mòn. Vài cây còn sống sót cũng còi cọc mãi không chịu lớn. Trổ được ít mầm rồi lại nằm im ru. Thế mới biết trồng cây có khi còn khó hơn xây một cái nhà.
Không chịu khuất phục, tôi chuyển sang trồng hoa. Dành vài ngày đọc hết các diễn đàn yêu hoa, yêu cây cảnh, tôi thấy dễ nhất vẫn là treo những giò cây nhiều màu sắc: thạch thảo tím, dừa cạn hồng, lan bạch chỉ mềm mại, thường xuân rủ xuống ấm áp... Bên dưới, bố trí vài cái chậu trồng hoa giấy, chen lẫn ít hoa hồng vàng, cam, đỏ lửa... Mất mấy buổi kỳ cạch vun trồng, bây giờ ban công nhà tôi trông như một bức tranh của người họa sĩ ưa sắc màu.
Ngồi ngắm ban công nhà mình, tôi nhớ lại thời gian trước ở quê. Hai bên đường ra thăm đồng là một biển hoa mười giờ, hoa cúc, hoa đồng tiền... Xuân sang đi trên con đường ấy, ai cũng trầm trồ khen. Giờ ở ban công bé tí, tranh thủ từng tấc đất, đến mức phải giảm thiểu một ít công năng cho nó như phơi đồ, giặt giũ để nhường chỗ cho cây xanh theo nguyên lý bớt để được thêm, tôi thấy chật chội khó tả. Thế mà nhìn mãi cũng quen mắt.
Hoa cũng có cá tính riêng. Sau vài ngày nằm im nơi ban công đầy nắng chẳng có tiến triển gì, tôi cứ tưởng bọn chúng cũng theo đám rau ra đi. Ai ngờ, bước sang ngày thứ 6, một vài chậu bắt đầu nhú mầm non xanh tươi, một số thì bắt đầu bung nụ. Không cần chờ mưa xuân, chẳng cần tưới tắm cầu kỳ, chúng cứ nở hoa khi các loài khác héo tàn.
Không chỉ ban công, trong gian bếp tôi cũng tận dụng mọi khoảng trống để trồng cây. Tôi hình dung ra những chỗ như góc phòng ăn, cửa sổ mà có sự xuất hiện của cây cỏ thì gian bếp sẽ tràn trề sinh khí, mọi người vì thế cũng sẽ ăn ngon miệng hơn.
Tuy nhiên, việc trồng cây trong nhà, không chỉ riêng khu bếp đều cần có kiến thức. Không thể trồng bừa theo sở thích cá nhân. Ví dụ như cây trồng ở đây cần chú ý đến tình trạng sinh trưởng của cây, hình dáng phải thấp nhỏ, như thế mới không gây trở ngại cho người ngồi đối diện trò chuyện. Nên tránh các loại cây có mùi hương quá đậm, kết hợp với các mùi thức ăn gây khó chịu. Còn trong phòng ngủ, phòng khách cần xét loại cây nào có thể thích nghi được không gian sinh tồn trong nhà, như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, điều kiện gió… Đặc biệt, trồng cây trong nhà phải dùng đất dinh dưỡng không vi khuẩn để giữ gìn sức khỏe.
Nghiên cứu qua lại, tôi chọn mặt gửi vàng được 3 loại cây: Một là thu hải đường vì nó có sức sống mạnh mẽ, không đòi hỏi nhiều nước và ánh sáng mặt trời, lại có thể tạo cảm giác tươi mới cho căn phòng. Hai là chậu ngũ gia bì nhỏ gọn, tán hẹp và có chức năng khử mùi. Trên bàn ăn, tôi đặt một chậu đỗ quyên cho hoa màu sắc tươi sáng, kích thích sự tiêu hóa.
Nội thất của nhà tôi thuộc tông màu nhạt, nên khi trồng thêm các loại hoa lá cành sặc sỡ, thì lại làm nổi bật hơn cảm giác về không gian. Trong nhà tuy chỉ có màu trắng, nâu gỗ và xanh của cây, nhưng không hề bị chán mắt. Trái lại, cành lá rung rinh trong gió, lấp ló những tia nắng sớm lại tạo thêm nguồn cảm hứng làm việc sáng tạo.
Chưa kể những ngày nắng ấm áp, nắng cũng theo cây cối vào tận trong nhà tôi. Bóng nắng lăn lộn trên sàn, nhảy tót lên vách tủ sách, sa vào trong một hốc nhỏ để tự do nhảy nhót vũ điệu mùa Xuân. Gió thấy thế cũng ùa vào vui chơi và giúp xua đi những tên giặc ẩm đang âm mưu giấu mặt.
Mỗi lúc nắng lên, tôi cảm nhận căn nhà nhỏ xinh của mình trở thành sân khấu cho một cuộc dạo chơi ngoạn mục của nắng trời vào nhà phố. Con gái 3 tuổi của tôi bây giờ mỗi ngày đều được cuộn mình trong chăn thơm, mỉm cười giữa những cơn mê ngủ.
Việc trồng hoa, trồng rau dần dần cũng tạo cho tôi một thói quen lao động chân tay, gần gũi thiên nhiên, tạo thái độ chăm sóc gia đình tích cực sau những ngày quá nhiều áp lực công việc.
Mấy hôm trước, nhà tôi tiếp đón một người bạn chủ yếu sống trong Nam, chỉ dịp Tết mới ra với các cụ ở Bắc. Ban đầu bạn chỉ đến chơi rồi về, nhưng rồi ba bốn hôm liên tiếp bạn đi lại liên tục.
Bạn nói rằng, mỗi lần ghé nhà tôi, là bạn lại muốn lùa ô cửa ra ban công ngồi. Trông ngoài ấy nhộn nhịp như một bức tường biết thở. Cành khô trên cây cũng biết hấp háy cười. Mỗi lần như vậy, bạn nhớ nghề, lại muốn vẽ ngay một bức tranh.
Dẫu nhà của mỗi người, không của ai giống ai, nhưng đúng là những ngôi nhà có cây xanh, hình như đều tạo được cảm giác đó là nơi người ta cần phải trở về.
Xung quanh mình ai cũng ao ước được sống trong một căn nhà đẹp, đầy đủ tiện nghi và có cây xanh, nhưng chẳng mấy ai hành động quyết liệt. Mỗi lần như thế họ, chỉ than phiền khô khan hoặc so sánh nhà mình với miền quê. Rồi họ bị kéo xa dần, chẳng còn thói quen nhìn ra cửa sổ để thấy cây bàng đương mùa thay lá, để nghe tiếng xào xạc cây cỏ sau mưa, để ngửi mùi hoa sữa nồng nàn.
Ở phố thị, nếu chịu nâng niu môi trường, chịu khó lắng nghe, cũng không thiếu tiếng chim. Nếu chịu thêm bớt không gian trong nhà theo hướng đừng tham quá, thì ai cũng có một khoảng xanh của riêng mình như thế này.
Vừa nghe bạn nói, tôi vừa đưa tay hái vài cọng muống cạn gầy guộc xót lại từ bữa nổi hứng trồng rau thuở trước. Tôi đem rửa qua với nước, cho vào luộc xanh và thả thêm vài quả sấu. Bạn vừa ăn vừa tấm tắc khen đây đúng là mớ rau muống luộc đặt trên cái “mâm vàng” (ý là địa điểm vàng ấy).
Đúng là phải trải qua những ngày Đông lạnh giá, những ngày bầu trời xám xịt được phủ một lớp xanh non ngây thơ mới biết người ta chờ đợi, mong nhớ mùa Xuân quắt quay thế nào. Vài ngọn cây nơi lưng chừng trời nhà tôi không chỉ tạo nên không gian sống động cho căn hộ trên cao, mà còn đem đến niềm hạnh phúc bình dị, đôi khi trên đường đời tấp nập, chúng ta đã vô tình quên lãng.
Đây cũng là thông điệp xanh mà tôi muốn gửi gắm khi một mùa Xuân mới đã đến.