Các nền kinh tế mới nổi có tài nguyên thiên nhiên và thể chế phù hợp sẽ có cơ hội tăng tốc lên các bậc thang thu nhập cao hơn. Trong đó, những quốc gia tiềm năng bao gồm Argentina, Colombia và Mexico, cũng như Malaysia và Philippines.
Những quốc gia này có sự kết hợp hầu hết các yếu tố thành công: tiếp cận năng lượng giá rẻ, lực lượng lao động dồi dào, thương mại tự do với phần lớn nền kinh tế toàn cầu và khả năng thu hút nhân tài.
Ngược lại, Nigeria, Nga và Sri Lanka là những quốc gia có vị trí thấp nhất trong số 22 quốc gia mà Bloomberg khảo sát. Các quốc gia này sẽ cần phải hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu và cải thiện khuôn khổ thể chế để hưởng lợi từ sự thay đổi trong toàn cầu hóa.
Trong khi đó, những sai lầm trong chính sách có thể lãng phí tiềm năng của một quốc gia. Thứ hạng cao của Argentina có thể không bù đắp được việc không khuyến khích người lao động nước ngoài và các công ty khỏi các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ. Lợi thế của Colombia có nguy cơ bị đe dọa nếu sự thay đổi chính trị gần đây làm xáo trộn các hiệp định thương mại của nước này.
Cú sốc năng lượng có thể thúc đẩy sản xuất ra nước ngoài (offshoring)
Việc tiếp cận các nguyên liệu thô giá rẻ đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định sự phân bổ địa lý của ngành công nghiệp. Thông thường, mức giá nguyên liệu thô tương đối ổn định và cho phép các doanh nghiệp chuyên môn hóa ở một số quốc gia nhất định. Nhưng nền kinh tế toàn cầu thường xuyên trải qua những thay đổi mạnh mẽ có khả năng dẫn đến việc di dời đáng kể.
Một ví dụ lịch sử là về hoạt động kinh doanh phân bón của Nhật Bản. Nước này đã xuất khẩu 60% đến 80% lượng phân đạm trong những năm 1960. Tuy nhiên, sau cú sốc dầu mỏ vào những năm 1970 khiến việc sản xuất phân bón định hướng xuất khẩu trở nên không khả thi, theo đó các công ty Nhật Bản đã thích nghi bằng cách chuyển hoạt động sản xuất sang các thị trường mới nổi để nắm bắt lợi thế chi phí hàng hóa của mình.
Cú sốc năng lượng hiện tại có thể thúc đẩy một chiến lược offshoring tương tự trong những năm tới. Đặc biệt, ở châu Âu với giá năng lượng đắt đỏ sẽ có một động lực mạnh mẽ để các công ty tìm kiếm hoạt động sản xuất ở những nơi khác. Thị trường tương lai đối với khí đốt tự nhiên kỳ hạn ba năm đang cao gấp 5 lần so với mức trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.
Một cách để đánh giá các quốc gia bị ảnh hưởng như thế nào bởi cú sốc năng lượng là tác động của sự thay đổi giá hàng hóa tương đối đối với giá xuất khẩu và nhập khẩu. Bloomberg đã sử dụng các ước tính về thay đổi điều khoản thương mại do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tổng hợp.
Dữ liệu xác nhận rằng, các nước xuất khẩu năng lượng - Nigeria, Nga và Ả-rập Xê-út - có lợi thế tự nhiên, nhưng một số quốc gia không phải là nhà xuất khẩu năng lượng ròng vẫn có thể hưởng lợi từ xu hướng offshoring. Ví dụ, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ở Đức có thể chuyển một số hoạt động sản xuất của họ sang một quốc gia có tác động của chi phí năng lượng tăng cao thấp hơn so với nước sở tại.
Vấn đề nhân lực cũng quan trọng. Sự khác biệt về nhân khẩu học theo thời gian và giữa các thị trường mới nổi có ảnh hưởng đáng kể đến chi phí lao động. Trung Quốc là một ví dụ nổi bật. Sau nhiều năm tự hào về lao động giá rẻ như một lợi thế cạnh tranh chính, nước này hiện phải đối mặt với tình trạng nhân khẩu học không thuận lợi dẫn đến sự gia tăng đáng kể về tiền lương.
Bloomberg đã đánh giá triển vọng về chi phí lao động bằng cách tập trung vào tỷ lệ dân số ở độ tuổi lao động chính từ 25 đến 64 tuổi. Các quốc gia với tỷ lệ dân số ở độ tuổi đó dự kiến sẽ giảm trong 10 năm tới có thể sẽ phải đối mặt với áp lực tiền lương khi lực lượng lao động của họ bị thu hẹp. Đó là trường hợp ở Trung Quốc, Ba Lan, Nga và Thái Lan. Những quốc gia khác vẫn được hưởng lợi từ nhân khẩu học - Ấn Độ, Mexico và Pakistan - có nhiều khả năng sẽ nhìn thấy sự gia tăng hơn là lực cản khi chênh lệch chi phí lao động thay đổi.
Yếu tố chính trị của việc đưa chuỗi cung ứng về gần (nearshoring)
Chính phủ và các công ty có thể hy sinh hiệu quả kinh tế nếu việc nearshoring giúp giảm bớt khả năng bị tổn thương trước áp lực của căng thẳng địa chính trị, lệnh trừng phạt và gián đoạn chuỗi cung ứng. Điều đó đã khiến chính quyền ở các quốc gia tiên tiến ngày càng hỗ trợ nhiều hơn cho các nỗ lực tái sản xuất, hoặc ít nhất là đưa chuỗi cung ứng về gần nước sở tại. Các quốc gia là một phần của các khối thương mại lớn, có biên giới với các thị trường lớn và tránh xung đột thương mại là những ứng cử viên tốt hơn để vận hành chuỗi cung ứng.
Các quốc gia Mexico, Peru, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam là những thị trường mới nổi có tiềm năng tiếp cận thị trường bên ngoài tốt nhất thông qua các hiệp định thương mại. Sự cô lập tương đối của Nigeria, Nga và Nam Phi khiến các quốc gia này khó tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Ngoài ra, tiềm năng của những người di cư có tay nghề cao để thúc đẩy tăng trưởng của các thị trường mới nổi cũng là vấn đề có sức ảnh hưởng lớn. Tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế tiên tiến và thực tế làm việc từ bất cứ đâu có thể khuyến khích người lao động chuyển đến các thị trường mới nổi, với những điều kiện thích hợp.
“Tăng cường chất xám” sẽ tạo ra cú hích đáng hoan nghênh đối với năng suất và cho phép quốc gia đích nhận ra những lợi ích từ lợi thế chi phí đầu vào và tiềm năng cho nearshoring.
Chỉ số năng lực cạnh tranh nhân tài toàn cầu (The Global Talent Competitiveness Index) đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về khả năng phát triển, thu hút và giữ chân người lao động của các quốc gia. Chile, Trung Quốc, Ba Lan và Ả Rập Xê Út nổi bật là những quốc gia hấp dẫn nhất đối với người nước ngoài, mặc dù vậy, việc Trung Quốc thay đổi chính sách Zero Covid có thể làm tình thế thay đổi. Trong khi đó, Nigeria, Pakistan và Sri Lanka kém hơn so với các thị trường mới nổi khác.
Offshoring là hình thức doanh nghiệp sản xuất tại các thị trường nước ngoài, là những nơi có vị trí địa lý cách xa hẳn với thị trường tiêu thụ. Nearshoring là khi một doanh nghiệp di chuyển hoạt động của mình đến một quốc gia lân cận từ một khoảng cách xa hơn.