Các chỉ số thống kê cho thấy, GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái thực tế hàng năm của Việt Nam qua một số năm như sau (xem bảng).
Vào năm 1985, GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái thực tế năm đó đạt 233,3 USD, nằm trong nhóm các nước có GDP bình quân đầu người thấp nhất thế giới.
Cuối năm 2013 so với cuối năm 1990, nếu giá tiêu dùng cao gấp 8,91 lần, giá vàng cao gấp 9,46 lần, thì giá USD chỉ cao gấp 4,85 lần- chỉ bằng một nửa tốc độ tăng giá tiêu dùng và giá vàng. Đáng lưu ý, từ gần 3 năm nay, cùng với sự tăng chậm lại của tốc độ tăng bình quân giá tiêu dùng là sự tăng chậm lại nhiều hơn của giá USD.
Tuy GDP bình quân đầu người đạt được các kết quả như trên, nhưng gần đây, đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc sập bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam. Hiện có ba loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Việt Nam đã sập bẫy thu nhập trung bình, với 5 biểu hiện (1) Tăng trưởng chậm lại; (2) Năng suất sản xuất mờ nhạt; (3) Sự thiếu hụt của dịch chuyển cơ cấu theo đúng nghĩa; (4) Khả năng cạnh tranh trong bảng xếp hạng không có dấu hiệu tăng; (5) Xuất hiện các vấn đề do tăng trưởng gây ra, như ô nhiễm, tham nhũng, bong bóng bất động sản…).
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, Việt Nam chưa thể coi là đã sập bẫy thu nhập trung bình, vì nhiều lẽ. Lẽ dễ lý giải nhất là Việt Nam vừa mới thoát ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình mới có mấy năm, vì vậy, việc sập bẫy nếu có thì phải một vài chục năm nữa.
Loại ý kiến thứ ba, đánh giá, bẫy thu nhập trung bình “chưa vào nhà, nhưng đã ở ngoài sân”. Các nguy cơ được biểu hiện trên một số mặt chủ yếu sau đây.
Thứ nhất là, tăng trưởng kinh tế từ năm 2006 đến 2013 đã chậm lại, chỉ đạt 6,06%/năm, trong đó bình quân 2011-2013 chỉ đạt 5,64%/năm.
Đây là tốc độ tăng vừa thấp hơn tiềm năng (về tỷ lệ vốn đầu tư/GDP, về tốc độ tăng lực lượng lao động), vừa thấp hơn yêu cầu (chống nguy cơ tụt hậu xa hơn về mức GDP bình quân đầu người, về giải quyết các vấn đề về công ăn việc làm, về xã hội, môi trường).
Thứ hai là, chất lượng tăng trưởng còn thấp, thể hiện ở hiệu quả đầu tư và năng suất lao động còn thấp. Hiệu quả đầu tư thấp thể hiện ở hệ số ICOR còn cao và tăng lên (bình quân thời kỳ 1996-2000 là 4,8 lần, thời kỳ 2001-2005 là 5,2 lần, thời kỳ 2006-2013 là 5,8 lần). Năng suất lao động năm 2013 của cả nước mới đạt 68,7 triệu đồng/người, tương đương với 3.289,2 USD, trong đó của nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thủy sản mới đạt 27 triệu đồng, tương đương với 1.293,6 USD. Tốc độ tăng năng suất lao động cũng chậm lại: bình quân năm thời kỳ 1991-2005 đạt 4,54%, đến thời kỳ 2006-2013 chỉ còn tăng 3,4%). Tỷ trọng đóng góp của năng suất tổng hợp (TFP) đối với tốc độ tăng GDP còn thấp (hiện đạt khoảng 28%, dù có đạt mục tiêu đến 2015 là 31-32% và mục tiêu đến 2020 là 34-35% thì cũng còn thấp xa so với các nước Đông Nam Á hiện đạt trên 40%, so với Hàn Quốc trên 52%.
Thứ ba là, về tái cơ cấu nền kinh tế chuyển biến chậm. Vấn đề này gần đây được nhấn mạnh và bước đầu đạt được những kết quả, nhưng quá trình khởi động triển khai chậm và kết quả so với yêu cầu còn thấp.
Thứ tư là, ngoài các vấn đề đã được xác định như tái cơ cấu, 3 đột phá chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cần quan tâm đến một số vấn đề mà Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ đã đề cập về đổi mới thể chế, dân chủ, nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường…. Đây là vấn đề lớn, cần coi đó là một cuộc đổi mới lần hai để tạo động lực mới.