Đầu năm 2009, nhiều người có cái nhìn bi quan về tình hình thị trường, nhưng kết thúc năm, mọi việc không hoàn toàn như vậy. Ông có bất ngờ với một kết thúc có hậu trong năm qua?
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong năm 2008 và đầu năm 2009 đã tác động mạnh đến kinh tế và diễn biến của TTCK Việt Nam. Trong quý I/2009, thị trường sụt giảm nghiêm trọng, chỉ số chứng khoán sụt giảm 25% so với cuối năm 2008, thanh khoản kém khi giá trị giao dịch giảm 60%. Đặc biệt, huy động vốn qua thị trường bị đình trệ, nhiều đợt phát hành không thành công. Trong khi đó, vốn đầu tư nước ngoài rút ra 530 triệu USD (quý I). Thị trường xấu khiến 62/100 CTCK bị thua lỗ.
Tuy nhiên, các chính sách kích thích kinh tế kịp thời của Chính phủ đã ngăn chặn đà suy giảm kinh tế. Hết quý I, kinh tế thế giới và TTCK qua giai đoạn khó khăn nhất, bắt đầu hồi phục. Cộng hưởng với nhiều chính sách mà Bộ Tài chính và UBCK ban hành kịp thời nên TTCK đã có sự hồi phục. Mức vốn hóa thị trường thời điểm cao nhất gấp hơn 2 lần năm 2008, bằng 50% GDP năm 2009. Tính thanh khoản tăng lên, khối lượng giao dịch tăng gấp 4 lần so với trước đây. Huy động vốn từ quý II, đặc biệt trong tháng 10 và 11 tăng gấp 4 lần so với năm 2008. Nhiều ngân hàng tăng vốn thành công, một mặt đáp ứng yêu cầu tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Nhà nước, mặt khác cải thiện năng lực tài chính, từ đó tạo điều kiện cho việc cung ứng vốn kích cầu hỗ trợ 4% lãi suất của Chính phủ, góp phần tăng trưởng kinh tế. Dòng vốn nước ngoài đã ngừng rút ra và bắt đầu quay trở lại; trong tháng 10 và 11, dòng vốn vào tăng gấp 4 lần so với những tháng trước đó. Các CTCK đã qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục mở rộng phát triển kinh doanh.
Trải qua một năm không ít khó khăn, những gì nền kinh tế và TTCK đạt được, tôi cho rằng, kết quả đó là tích cực, khả quan.
Theo ông, dấu ấn lớn nhất trong hoạt động quản lý TTCK năm 2009 là gì?
Như trên tôi đã nói, vào thời điểm khó khăn nhất, có đến 62/100 CTCK có hoạt động kinh doanh thua lỗ. UBCK đã rà soát các CTCK kinh doanh thua lỗ để từ đó có ứng xử phù hợp. Chẳng hạn, yêu cầu các CTCK nâng cao năng lực tài chính, tái cấu trúc để hoạt động kinh doanh lành mạnh hơn; sửa đổi các văn bản pháp lý về hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, dự thảo Thông tư an toàn tài chính và Thông tư hướng dẫn phá sản các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Vì thế, thành công lớn nhất năm 2009 chính là việc giữ cho các CTCK không bị đổ vỡ. Đây là một trong những định chế trung gian có vai trò quan trọng trên thị trường nên việc đảm bảo an toàn cho khối này là ưu tiên hàng đầu.
Hai là, nâng cao chất lượng phát hành thông qua việc nâng tiêu chí phát hành, đồng thời ban hành văn bản sửa đổi về công bố thông tin, trong đó có vấn đề soát xét báo cáo tài chính bán niên bên cạnh báo cáo kiểm toán năm của các DN niêm yết, việc này làm nâng cao chất lượng công bố thông tin, tạo niềm tin cho NĐT.
Ba là, việc yêu cầu công ty đại chúng thực hiện lưu ký chứng khoán tập trung đã thúc đẩy nhiều DN lên sàn, số tài khoản mở mới ngày một tăng. Những yếu trên giúp cho giá trị vốn hóa thị trường tăng cao. Điều đó cho thấy, nhận thức của DN, người dân về TTCK ngày một thay đổi theo hướng tích cực.
Bốn là, tái cấu trúc một bước các Sở giao dịch, Trung tâm Lưu ký, thực hiện giao dịch không sàn, mở thị trường trái phiếu chuyên biệt, tạo tiền đề cho việc tái cấu trúc cao hơn sau này.
Năm 2009 có thể nói là năm “xé rào” của các CTCK. Do khó khăn về doanh thu, một số CTCK đã liên kết trở thành đại lý giao dịch vàng; giữa năm lại rộ lên chuyện CTCK cho NĐT giao dịch ký quỹ, bán khống. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Đúng là năm 2009 có hiện tượng CTCK “xé rào”, nhưng theo tôi, không phải phổ biến. Khách quan nhìn nhận thì thực tiễn đôi khi cũng đi trước khung khổ pháp lý. Trước tình hình đó, UBCK đã có những chấn chỉnh kịp thời để một số nghiệp vụ của CTCK không đi xa những quy định hiện hành. Mặt khác, UBCK tích cực chủ trì soạn thảo, chỉnh sửa nhiều văn bản pháp lý trình cơ quan quản lý ban hành để tạo cơ chế thúc đẩy thị trường phát triển.
Chẳng hạn, chúng tôi đã hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán để trong năm 2010 Quốc hội họp xem xét ban hành. Bên cạnh đó là sửa đổi Nghị định 14/2007/NĐ-CP về nội dung phát hành riêng lẻ, sửa đổi định Nghị định 36/2007/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán. Hiện các văn bản này đang được lấy ý kiến các thành viên thị trường để trình Chính phủ ban hành vào đầu năm 2010. Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2007/TT-BTC, trong đó đưa nội dung soát xét báo cáo tài chính vào để nâng cao chất lượng công bố thông tin, nhấn mạnh hơn việc công khai hóa thông tin. Đặc biệt, dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch, trong đó có một số nghiệp vụ mới cho thị trường đã được trình Bộ Tài chính xem xét để có thể áp dụng dần từng bước.
Năm 2009 còn nở rộ tin đồn, giao dịch nội gián, thao túng thị trường. Có vẻ việc xử phạt đủ sức răn đe nằm ngoài tầm của UBCK?
Đối với xử phạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán thì báo chí năm vừa qua nói nhiều đến tính nghiêm khắc. Đúng là mức xử phạt trong thẩm quyền của UBCK khá thấp. Các hành vi vi phạm thu lời bất chính lớn phải ở một tầm cao hơn mới có thể xử được (ở nhiều nước, mức phạt lên đến hàng triệu USD). Ngoài mức xử phạt thấp, từ lúc phát hiện hiện tượng đến khi kết luận được vi phạm là một quá trình rất khó. Trên thế giới, trong 50 vụ chỉ xử được 2 vụ. Đối với Việt Nam, công nghệ theo dõi, đặc biệt là quyền hạn của UBCK còn hạn chế (ở nhiều nước, UBCK được điều tra, phong tỏa tài khoản tiền, ghi âm các giao dịch…, nên kết luận dễ hơn). Tuy nhiên, trong năm qua, chúng tôi cũng đã kiểm tra, kết luận và xử phạt nhiều vụ liên quan đến nội gián, thao túng thị trường và đòn bẩy tài chính. Chúng tôi đã kiểm tra và sẽ xử phạt tiếp một số vụ tương tự trong thời gian tới.
Để làm được như các nước, cần phải mất một thời gian dài, cũng như phải có những thay đổi về cơ chế. Trước mắt, chúng tôi đã hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 36/2007/NĐ-CP, trong đó nâng mức xử phạt và phân cấp mạnh hơn. Hy vọng, khi nghị định này được ban hành sẽ tăng hiệu lực quản lý, ngăn ngừa các vi phạm trên thị trường.
TTCK năm qua biến động mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của nhiều NĐT. Ông có thông điệp gì chuyển tải đến NĐT trong năm mới?
Nhiều tổ chức tài chính lớn cũng như giới phân tích trên thế giới đưa ra dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2010 là 3,1%. Về mặt trung và dài hạn, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt hơn và mục tiêu tăng trưởng 6,1% trong năm tới nếu không có gì quá bất thường sẽ thực hiện được.
Bối cảnh vĩ mô như vậy là nền tảng rất quan trọng để TTCK đi lên, hồi phục mạnh hơn. Tuy nhiên, TTCK vẫn tiềm ẩn những khó khăn và rủi ro, đặc biệt là việc nền kinh tế phải đối phó với lạm phát, nhập siêu… Chúng ta cần có sự bình tĩnh, theo dõi để có quyết định đầu tư đúng đắn. Trong hoạt động kinh doanh, NĐT tránh tham gia những nghiệp vụ quá rủi ro, vượt qua các quy định pháp lý.