Bốn chủ đề lớn của câu chuyện đầu tư năm 2024

Bốn chủ đề lớn của câu chuyện đầu tư năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mức tăng của VN-Index trong năm 2023 không như kỳ vọng, nhưng diễn biến tích cực của kinh tế vĩ mô sẽ tạo nền tảng cho chỉ số đi lên trong năm mới.

Kỳ vọng VN-Index sẽ vượt ngưỡng kháng cự

Kết thúc phiên giao dịch cuối năm 2023, VN-Index đóng cửa tại 1.129,93 điểm, tăng hơn 12% so với cuối năm 2022. Nhà đầu tư không hoàn toàn hài lòng khi chỉ số chưa vượt qua được ngưỡng kháng cự 1.130 điểm để mở ra khả năng tiếp tục tăng trong tuần đầu năm mới 2024.

Vùng 1.125 - 1.130 điểm là vùng kháng cự mạnh, hợp lưu của kháng cự giá và trung bình động EMA 200 ngày. Do đó, vượt qua ngưỡng 1.130 điểm là yếu tố quan trọng để VN-Index có thể tiếp tục đi lên.

Tuy vậy, điểm sáng của thị trường chung là thanh khoản duy trì ở mức tốt, trên trung bình tại 14.000 tỷ đồng/phiên. Cùng với đó, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã dừng bán ròng và chuyển sang mua ròng trong tuần qua, với giá trị hơn 120 tỷ đồng.

Ngoài ra, xét các nhóm vốn hóa, nhóm vốn hóa vừa duy trì đà tăng vượt trội, nhóm vốn hóa lớn bắt đầu tăng tốc. Trong đó, nhóm ngân hàng là tăng vượt trội như ACB, MBB, VPB, TCB… Định giá thấp và tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh trong tháng cuối năm 2023 là yếu tố hỗ trợ nhóm ngành ngân hàng.

Do đó, nhìn về giai đoạn ngắn hạn tiếp theo, VN-Index có thể kiểm nghiệm vùng kháng cự 1.130 điểm, nhưng các yếu tố hỗ trợ thị trường được duy trì và dòng tiền vững vàng sẽ là bệ đỡ cho chỉ số vượt lên.

Câu chuyện đầu tư năm 2024

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý IV/2023 ước tăng 6,72%, gần gấp đôi mức tăng 3,41% của quý I, tính chung cả năm 2023 tăng 5,05%. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với tình trạng lạm phát và suy thoái, sức mua giảm và hoạt động thương mại trầm lắng. Nhóm công nghiệp và xây dựng phục hồi đáng kể khi tăng trưởng được cải thiện dần qua từng quý, từ mức -0,34% của quý I đến mức 7,35% của IV.

Thu hút vốn đầu tư cũng là điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2023, khi tổng mức FDI đăng ký đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Trong đó, FDI thực hiện ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% và là mức thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Điều này thể hiện khả năng thu hút vốn đầu tư của Việt Nam dần được cải thiện, cũng như khối FDI đang là nhóm có vai trò quan trọng trong cán cân thương mại.

Nhìn chung, kinh tế Việt Nam trong năm 2023 thể hiện sự phục hồi tương đối tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, với tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất kể từ năm 2021, chỉ tiêu lạm phát được kiểm soát trong mức mục tiêu. Cũng cần nói thêm, Việt Nam là nước có độ mở nền kinh tế lớn, kinh ngạch xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng sản phẩm quốc gia, nên các yếu tố vĩ mô thế giới có tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước.

Về câu chuyện đầu tư trong năm 2024, chúng tôi đang dành sự chú ý tới 4 chủ đề lớn, mặc dù các chủ đề này không mới, nhưng kỳ vọng sẽ tác động tích cực lên định giá các cổ phiếu.

Đầu tiên là câu chuyện về hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thu hút FDI, chúng tôi kỳ vọng các tuyến đường cao tốc huyết mạch sẽ tiếp tục được thúc đẩy, từ đó mức độ giải ngân đầu tư công có sự cải thiện rõ nét, giúp nhóm doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng và khu công nghiệp hưởng lợi.

Thứ hai là nhóm ngân hàng, với động lực đến từ tăng trưởng tín dụng, cũng như kỳ vọng hiệu lực của Thông tư 02/2023/TT-NHNN sẽ được kéo dài, giúp giảm áp lực nợ xấu - một trong những yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng.

Thứ ba là bất động sản, các chính sách tháo gỡ dòng vốn cho thị trường địa ốc, các dự luật mới về đất đai trong năm 2024 sẽ đưa ngành bất động sản phục hồi trong trung và dài hạn.

Cuối cùng là ngành dầu khí, với câu chuyện về dự án trọng điểm Lô B - Ô Môn, khối lượng công việc rất lớn sẽ giúp nhóm doanh nghiệp thượng nguồn đạt được “điểm rơi” lợi nhuận trong nửa cuối năm 2024.

Tin bài liên quan