Vicem nhận chuyển vốn nhà nước từ Vicem Hạ Long và Vicem Sông Thao trong quý I/2016 cũng khiến IPO của Vicem chậm tiến độ so với dự kiến trước là quý II/2016.

Vicem nhận chuyển vốn nhà nước từ Vicem Hạ Long và Vicem Sông Thao trong quý I/2016 cũng khiến IPO của Vicem chậm tiến độ so với dự kiến trước là quý II/2016.

“Bom tấn” Vicem và điểm yếu trước thềm IPO

Chiếm 34% thị phần, ổn định trong nhiều năm nhờ có nhiều thương hiệu mạnh và lâu đời ở ba miền, lỗi hẹn nhiều lần với kế hoạch IPO, không hiểu “bom tấn” Vicem sẽ nổ thế nào trong lịch IPO vào quý IV/2016 tới.      

Ngổn ngang trước giờ G

Cùng với Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO), Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) là một trong 4 tổng công ty thuộc hàng “bom tấn” của Bộ Xây dựng sẽ IPO trong năm nay. Nhưng, chỉ có Vicem bị lùi cổ phần hoá vào cuối năm do phải thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu một số nhà máy xi măng.

Vicem, tiền thân là Liên hiệp các Xí nghiệp xi măng được thành lập ngày 1/4/1980, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và phân phối xi măng, với tổng công suất 20 triệu tấn xi măng/năm, chiếm khoảng 34% thị phần xi măng cả nước. Trong đó, có nhiều thương hiệu đình đám ở cả 3 miền, điển hình như Hoàng Thạch ở miền Bắc, Hà Tiên ở miền Nam.

Giới phân tích cho rằng, với quyết tâm của Chính phủ, sau nhiều lần lỗi hẹn, có thể đợt này Vicem sẽ cổ phần hoá thực sự. Đây sẽ là món ăn thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhưng có thể chỉ dành cho các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn vào cải tổ và tổ chức lại theo thông lệ quốc tế về quản trị một tập đoàn xi măng.

Sở dĩ giới phân tích đưa ra nhận định trên vì Vicem bộc lộ khá nhiều điểm yếu của một doanh nghiệp nhà nước.

Vicem có lợi thế là một doanh nghiệp nhà nước với quy mô lớn, lịch sử phát triển lâu năm và có chỗ đứng vững vàng trên thị trường. Xét về mặt doanh thu, đây cũng là doanh nghiệp có thị phần lớn.

Vicem sở hữu 8 đơn vị thành viên, gồm Vicem Hải Phòng, Vicem Hoàng Mai, Vicem Hà Tiên, Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hoàng Thạch, Vicem Bút Sơn, Vicem Hải Vân và Vicem Tam Điệp. Trong đó, 5 doanh nghiệp thành viên đã hoàn thành xong cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần là Vicem Hoàng Mai, Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hải Vân, Vicem Bút Sơn và Vicem Hà Tiên.

Tuy nhiên, với tất cả lợi thế đó, Vicem vẫn không thể thúc đẩy vai trò dẫn dắt và điều phối thị trường.

Nhìn vào hệ thống tổ chức, Vicem là một tập hợp của các nhà máy xi măng thay vì là một tập đoàn theo đúng nghĩa. Thậm chí, giới đầu tư còn cho rằng, Vicem không thể thực hiện vai trò của một doanh nghiệp hàng đầu vì khả năng quản lý yếu kém.

Theo StoxPlus, Vicem không có khả năng chi phối nhiều quyết định hoạt động của các công ty con bên dưới.

Cụ thể, do có nhiều thương hiệu con, không có chính sách cho toàn tập đoàn dẫn tới việc cạnh tranh trực tiếp cạnh tranh khốc liệt với nhau giữa chính các thương hiệu của Vicem tại các vùng miền. Một số thương hiệu của Vicem đứng đầu thị trường, trong khi các thương hiệu còn lại không bán được. Mức giá của các thương hiệu này cũng rất chênh lệch.

Đơn cử trong dòng sản phẩm PCB30, 2 thương hiệu của Vicem là Hoàng Thạch và Hải Vân cho thấy sự khác biệt rõ rệt về giá. Hoàng Thạch với chất lượng cao được người tiêu dùng ưa chuộng và bán cao hơn giá trung bình gần 30%. Vicem Hải Vân bán thấp hơn khoảng 7%. Điều này khiến các thương hiệu còn lại phải chuyển sang làm gia công xi măng cho các thương hiệu mạnh, như Vicem Hoàng Mai gia công cho Vicem Hà Tiên.

Đặc biệt, việc Vicem nhận chuyển vốn nhà nước từ 2 công ty là Vicem Hạ Long (trước thuộc Viettel) và Vicem Sông Thao (thuộc HUD) trong quý I/2016 cũng khiến IPO của Vicem chậm tiến độ so với dự kiến từ quý II/2016 tới quý IV/2016, do cần tái cấu trúc lại công ty trên.

Tuy nhiên, theo Stoxplus, chính việc nhận lại các công ty thua lỗ cần tái cấu trúc sẽ làm giảm độ hấp dẫn của Vicem khi IPO, gây khó khăn cho việc định giá. Thực tế, đây cũng là việc rất đau đầu của lãnh đạo Vicem thời gian qua. Hiện có một số nhà đầu tư Thái Lan, Indonesia quan tâm đến mua cổ phần của Vicem, nhưng do thị trường trong nước vẫn dư cung nên các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn khá dè dặt.

Tuy nhiên, do sở hữu nhiều điểm cộng, nên Vicem được cho là món ăn ưa thích đối với các nhà đầu tư có thế mạnh về tầm nhìn dài hạn vào cải tổ và tổ chức lại theo thông lệ quốc tế về quản trị một tập đoàn xi măng.

M&A hoá giải hệ lụy cho VICEM

Báo cáo ngành xi măng Việt Nam 2016 của StoxPlus cho thấy, ngành này đang có hơn 62 công ty với khoảng 100 nhà máy (bao gồm nhà máy khép kín và các trạm nghiền xi măng). Trong đó, 60% nhà máy có công suất nhỏ hơn 1 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 1/3 tổng công suất thiết kế xi măng ở Việt Nam. Những nhà máy xi măng nhỏ này phải đối mặt với thách thức về thương hiệu và cạnh tranh gay gắt, dẫn đến giá giảm mạnh và thua lỗ lớn.

StoxPlus nhận định, các cơ sở sản xuất xi măng sẽ không hiệu quả nếu công suất thiết kế dưới 1 triệu tấn/năm, đặc biệt khi tính đến chi phí điện, bảo trì và các chi phí cố định khác.

Bản thân ngành xi măng trong dài hạn còn nhiều dư địa phát triển, bởi Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu của việc đầu tư và cải thiện cơ sở hạ tầng, nhu cầu xi măng sẽ còn rất lớn. Vấn đề là do tổ chức thị trường và quy hoạch, yếu kém về logistics (xi măng chỉ có thể hiệu quả nếu tiêu thụ trong thị trường bán kính 500 km, nếu vận chuyển xa hơn là lỗ) nên mới tạo ra tình trạng hiện nay…

Trong một thị trường như vậy, xu hướng hợp nhất, M&A trong ngành xi măng được cho là có triển vọng trong tương lai, nhất là đối với các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn.

Trường hợp của Vicem cho thấy rõ xu hướng các doanh nghiệp nhà nước cũ sẽ hợp nhất trước do hiệu quả hoạt động kém, như vốn đầu tư nhà nước tại 2 nhà máy xi măng Hạ Long và Sông Thao được chuyển sang VICEM để tái cấu trúc.

Nghĩa là Vicem cần tiếp tục tập trung hóa sản xuất và quy chuẩn, coi các công ty con hiện nay như những nhà máy sản xuất. Tập trung khâu bán hàng và marketing để tránh cạnh tranh lẫn nhau trong cùng tập đoàn…

Đặc biệt, giá xi măng hiện nay của Việt Nam rất thấp so với khu vực. Vicem cùng nhau quy về một mối có thể triển khai chống bán phá giá và cùng nhau tính toán để tránh ảnh hưởng đến các ngành liên quan như xây dựng, hạ tầng…

Cũng phải nói thêm, tình trạng dư cung tại thị trường trong nước cũng đang buộc “ông lớn” Lafarge Holcim tính tới phương án có thể thoái vốn tại thị trường Việt Nam. Tháng 12/2015, Lafarge Việt Nam, một chi nhánh của Lafarge Group ở Pháp, đã chính thức sáp nhập với Holcim Vietnam (thành viên của Tập đoàn Holcim, Thụy Sỹ) để thành lập LafargeHolcim và trở thành công ty sản xuất xi măng đa quốc gia lớn nhất thế giới theo công suất lắp đặt. Trong đó, Vicem là cổ đông nắm giữ 35% cổ phần của Holcim Việt Nam.

Như vậy, M&A trong ngành này sẽ là một xu hướng của năm 2016, góp phần giải quyết tình trạng dư cung và những hệ lụy như Vicem và Lafarge Holcim đang vướng phải. Và đây là cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Tin bài liên quan