Quyết định chính sách trong cuộc họp lần này của BOJ cũng được thị trường mong đợi. Nhưng các nhà đầu tư và nhà phân tích tin rằng ngân hàng trung ương đang thận trọng hướng tới một sự thay đổi do giá cả tăng khiến lạm phát vượt quá mục tiêu 2%.
Lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% nhằm khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn và các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng vay nhiều hơn để thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Ngân hàng trung ương cũng đã mua trái phiếu chính phủ và các tài sản khác trị giá hàng nghìn tỷ USD như một phần trong chiến lược bơm thêm tiền mặt nhằm thúc đẩy tăng trưởng khi dân số Nhật Bản già đi.
Quyết định này cho thấy Thống đốc Ueda và các nhà hoạch định chính sách khác của BOJ không muốn gây bất ngờ cho thị trường bằng một động thái sớm khi họ tiếp tục tìm kiếm thêm bằng chứng để xác nhận rằng việc tăng lương sẽ góp phần vào lạm phát bền vững. Tuy nhiên, việc giữ nguyên chính sách tiền tệ vào tháng 12 sẽ không dập tắt được suy đoán rằng việc tăng lãi suất sớm hay muộn sẽ đến, và tháng 4 được xem là lựa chọn có khả năng xảy ra nhất.
Lạm phát ở Nhật Bản đã tăng lên nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều so với Mỹ và các nền kinh tế lớn khác, gần đây nhất là khoảng 3%. Đồng thời, đồng đô la Mỹ đã tăng giá so với đồng yên Nhật khi lãi suất được tăng lên để chống lại lạm phát lên tới đỉnh điểm là 9,1% ở Mỹ. Điều đó đã làm giảm sức mua của đồng yên, làm tăng chi phí năng lượng và các mặt hàng khác.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda vẫn thận trọng về việc tăng lãi suất, cho rằng mức tăng lương đã chậm lại so với mức tăng giá và mức lạm phát mục tiêu có thể không được duy trì.
Tuyên bố chính sách của ngân hàng trung ương cho biết đầu tư nhà ở vẫn còn yếu và chi tiêu của chính phủ không thay đổi.
BOJ cho biết: “Với những bất ổn cực kỳ cao xung quanh nền kinh tế và thị trường tài chính trong và ngoài nước, ngân hàng sẽ kiên nhẫn tiếp tục nới lỏng tiền tệ”.
Oxford Economics cho biết trong một báo cáo phân tích rằng: “Ngân hàng trung ương đang xem xét lại chiến lược của mình, nhưng sẽ không vội rút lui lập trường hiện tại là nới lỏng định lượng. Việc rút lui sẽ rất khó khăn, đòi hỏi nhiều năm và các biện pháp chính sách toàn diện kết hợp với chính phủ để đảm bảo quá trình diễn ra suôn sẻ và ổn định”.
Tuy nhiên, một số người theo dõi BOJ nghi ngờ rằng việc loại bỏ lãi suất âm của ngân hàng trung ương sẽ diễn ra trong những tháng tới khi lạm phát tiếp tục vượt xa mục tiêu 2% đã được đặt ra từ lâu.
Mari Iwashita, chuyên gia kinh tế thị trường trưởng tại Daiwa Securities cho biết: “BOJ sẽ chấm dứt lãi suất âm trong khi vẫn duy trì khuôn khổ nới lỏng. Việc tăng lãi suất vượt quá mức đó sẽ gặp trở ngại lớn về mặt chính trị và các nguyên tắc kinh tế cơ bản. Làm như vậy có nghĩa là mục tiêu 2% chắc chắn đã đạt được, khác với việc nói rằng nó đã lọt vào tầm ngắm”.
Bên cạnh đó, động thái ôn hòa của Cục Dự trữ liên bang (Fed) có thể gây thêm áp lực lên thống đốc Ueda, vì một số nhà quan sát BOJ cảm thấy điều đó thu hẹp cơ hội để BOJ bình thường hóa chính sách. Nếu việc chấm dứt lãi suất dưới 0 của BOJ khiến đồng yên mạnh hơn nhiều, nó sẽ khơi dậy áp lực giảm phát trong nền kinh tế. Việc dừng lãi suất âm khi các ngân hàng trung ương khác đang bắt đầu nới lỏng chính sách cũng có thể gây ra nhiều biến động hơn trên thị trường.
Mặt khác, nếu Fed cố gắng tạo ra một cú hạ cánh nhẹ nhàng cho nền kinh tế Mỹ, điều đó sẽ tạo nền tảng cho tăng trưởng toàn cầu và giúp ích cho BOJ.