Trong cuộc họp kéo dài hai ngày kết thúc vào thứ Sáu (18/3), BOJ đã quyết định giữ nguyên các đòn bẩy chính sách quan trọng, trong đó lãi suất ngắn hạn âm 0,1% và lãi suất dài hạn duy trì ở mức gần bằng 0. BOJ cũng có kế hoạch tiếp tục mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản không giới hạn và lượng cổ phiếu trị giá lên tới 12 nghìn tỷ yên (101 tỷ USD) mỗi năm.
BOJ đang duy trì chính sách tiền tệ dễ dàng bất chấp lo ngại ngày càng tăng về việc đồng yên suy yếu và giá tăng đối với các mặt hàng nhập khẩu như dầu thô, khí đốt tự nhiên và lúa mì. Lạm phát bán buôn của Nhật Bản đạt 9,3% trong tháng 2, cao nhất trong 41 năm. Lạm phát tiêu dùng cũng dự kiến sẽ tăng trên 2% sau tháng 4.
Hôm thứ Năm (17/3), đồng yên đã đánh dấu mức thấp nhất trong 6 năm là 119 đối với đồng đô la sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018 và báo hiệu thêm 6 lần tăng lãi suất nữa trong năm nay. Động thái của ngân hàng trung ương Mỹ đã thúc đẩy sự hấp dẫn của đồng đô la so với đồng yên.
Với lãi suất dài hạn của Mỹ tăng trên 2,1% so với 0,2% ở Nhật Bản, "đồng yên sẽ chịu thêm áp lực bán ra", Hideo Kumano, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life cho biết.
Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đã quyết định vào ngày 10/3 để loại bỏ chương trình mua trái phiếu trong quý III và bắt đầu tăng lãi suất một thời gian sau đó.
Giá hàng hóa tăng cao đã ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng và tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp ở Nhật Bản, làm suy yếu sự phục hồi kinh tế từ đại dịch Covid-19.
Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp hạn chế trong phần lớn quý I để kiểm soát virus, các nhà hàng và quán bar buộc phải đóng cửa sớm. Mặc dù những điều khoản này dự kiến sẽ được dỡ bỏ vào ngày 21/3, các nhà phân tích cảnh báo rằng nền kinh tế có thể đã thu hẹp trong quý đầu tiên.
Trong khi đó, quá trình phục hồi cũng bị cản trở bởi tình trạng thiếu hụt các nguyên liệu công nghiệp quan trọng như chip điện tử, đẩy các nhà sản xuất ô tô như Toyota Motor vào tình trạng ngừng hoạt động và sản lượng giảm.