BOJ tăng tính linh hoạt trong việc kiểm soát đường cong lợi suất

BOJ tăng tính linh hoạt trong việc kiểm soát đường cong lợi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Ba (31/10), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã điều chỉnh chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng để đối phó với giá cả tăng cao và đồng yên Nhật tiếp tục trượt giá.

Trong lần điều chỉnh thứ hai đối về khuôn khổ kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) trong vòng ba tháng, BOJ đã quyết định đưa ra sự linh hoạt hơn cho khung chính sách tiền tệ và quyết định sử dụng giới hạn trên là 1% làm điểm tham chiếu mới cho lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm.

BOJ vẫn tiếp tục duy trì khuôn khổ kiểm soát đường cong lợi suất tổng thể nhằm mục tiêu lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0.

BOJ cho biết, có “sự không chắc chắn cực kỳ cao” xung quanh các nền kinh tế và thị trường tài chính trong và ngoài nước, do đó kết luận rằng việc tăng tính linh hoạt trong chính sách kiểm soát đường cong lợi suất là “thích hợp”.

Cùng với những điều chỉnh về chính sách, ngân hàng trung ương cũng nâng dự báo lạm phát, tiếp tục mở đường cho việc bình thường hóa chính sách tiền tệ, chẳng hạn như thoát khỏi lãi suất ngắn hạn âm.

Trong bản cập nhật được công bố riêng về dự báo kinh tế hàng quý, BOJ đã nâng dự báo trung bình về lạm phát cơ bản (không bao gồm giá thực phẩm tươi sống) lên 2,8% từ mức 2,5% cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024. BOJ cũng dự kiến ​​mức tăng giá là 2,8%, tăng từ 1,9% cho năm tài chính 2024 và 1,7% từ 1,6% cho năm tài chính 2025.

Những dự báo như vậy có nghĩa là BOJ đang dự báo lạm phát cơ bản sẽ duy trì trên mức mục tiêu 2% trong năm thứ ba liên tiếp.

Chính sách kiểm soát đường cong lợi suất của BOJ được nhiều người xem là nguyên nhân khiến đồng yên lao dốc xuống khoảng 150 yên mỗi đô la, giảm 23% kể từ đầu năm 2022, vì chênh lệch lợi suất với Mỹ gia tăng.

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã tăng lãi suất ngắn hạn thêm 5,25% kể từ tháng 3/2022 và lãi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng lên 5% lần đầu tiên sau 16 năm. BOJ lập luận rằng cần phải có một chính sách tiền tệ nới lỏng để dập tắt tình trạng giảm phát và đạt được lạm phát một cách bền vững.

Tin bài liên quan