Sau cuộc họp của Fed, giới đầu tư hướng tới quyết đinh của BOJ được đưa ra vào chiều ngày thứ Sáu theo giờ châu Á. Và điều bất ngờ đã xảy ra khi ngoài việc bơm thêm tiền hỗ trợ kinh tế, BOJ còn hạ lãi suất xuống mức -0,1%.
Quyết định này của BOJ đã giúp chứng khoán châu Á vụt tăng mạnh cuối phiên và lan tỏa sự hưng phấn sang chứng khoán châu Âu và Mỹ.
Sau đợt bán tháo đầu năm do ảnh hưởng từ chứng khoán Trung Quốc, phố Wall đã có tuần hồi phục tích cực trước đó nhờ sự trở lại của giá dầu. Trong tuần này, phố Wall cũng có những đợt trồi sụt do ảnh hưởng của cuộc họp của Fed và kết quả kinh doanh kém khả quan của Apple, Boeing, nhưng phiên tăng mạnh cuối tuần đã chính thức giúp chứng khoán Mỹ có tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp.
Về kết quả kinh doanh quý IV/2015, theo dữ liệu của Thomson Reuters, lợi nhuận của các công ty trong S&P 500 sẽ giảm 4,1%, còn nếu trừ đi các công ty năng lượng, lợi nhuận của các công ty còn lại tăng 2,1%.
Kết thúc phiên 29/1, chỉ số Dow Jones tăng 396,66 điểm (+2,47%), lên 16.466,30 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 46,88 điểm (+2,48%), lên 1.940,24 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 107,28 điểm (+2,38%), lên 4.613,95 điểm.
Trong tuần, Dow Jones tăng 3,32%, chỉ số S&P 500 tăng 1,75% và chỉ số Nasdaq tăng 0,5%. Dù tăng 2 tuần liên tiếp, nhưng với những đợt bán tháo mạnh trong nửa đầu của tháng do chịu tác động từ chứng khoán Trung Quốc, trong tháng 1, phố Wall vẫn giảm mạnh. Cụ thể, chỉ số Dow Jones giảm 5,5%, chỉ số S&P 500 giảm 5,07%, còn Nasdaq giảm tới 7,86%.
Cũng giống phố Wall và chứng khoán châu Á, thông tin về việc BOJ bất ngờ đưa lãi suất về mức âm và bơm thêm tiền để kích thích kinh tế đã giúp chứng khoán châu Âu có phiên giao dịch cuối tuần đầy hứng khởi.
Kết thúc phiên 29/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 152,01 điểm (+2,56%), lên 6.083,79 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 158,52 điểm (+1,64%), lên 9.798,11 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 94,86 điểm (+2,19%), lên 4.417,02 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 3,11%, chỉ số DAX tăng 0,34% và chỉ só CAC 40 tăng 1,85%. Trong tháng 1, chỉ số FTSE 100 giảm 2,54%, chỉ số DAX giảm 8,80% và chỉ só CAC 40 giảm 4,75%.
Như đã đề cập ở trên, trong buổi chiều thứ Sáu, BOJ đã đưa ra thông tin về quyết định bơm thêm tiền để kích thích kinh tế, đồng thời đưa mức lãi suất về -0,1%, chứng khoán Nhật Bản đã đảo chiều tăng điểm ngoạn mục.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc tăng tốc ngay từ đầu phiên và đà tăng nới rộng dần sau đó để kết thúc phiên cuối tuần với mức tăng ấn tượng.
Kết thúc phiên 29/1, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản tăng 476,85 điểm (+2,80%), lên 17.518,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 487,28 điểm (+2,54%), lên 19.683,11 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 81,94 điểm (+3,09%), lên 2.737,60 điểm.
Trong tuần, Nikkei 225 tăng 3,30%, chỉ số Hang Seng tăng 3,16% và chỉ số Shanghai Composite giảm 6,14%. Nhờ tuần phục hồi cuối cùng trong tháng, giúp chỉ số Nikkei 225 chỉ còn giảm 7,96% trong tháng 1, trong khi chỉ số Hang Seng giảm 10,18% và tệ nhất là chỉ số Shanghai Composite giảm tới 22,65%.
Sau quyết định của BOJ, không chỉ chứng khoán, mà đồng USD tăng vọt trở lại, gây sức ép lên giá vàng. Giá kim loại quý chủ yếu lình xình trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch cuối tuần. Tuy nhiên, lực cầu bất ngờ gia tăng vào cuối phiên, kéo giá vàng bật tăng trở lại và đóng cửa tuần với mức tăng nhẹ.
Kết thúc phiên 29/1, giá vàng giao ngay tăng 2,8 USD (+0,25%), lên 1.117,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 tăng 2,4 USD (+0,22%), lên 1.118,0 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,84% và giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 1,80. Với 3 tuần tăng giá và 1 tuần điều chỉnh kỹ thuật, giá vàng đã có tháng giao dịch tốt nhất kể từ tháng 1/2015 khi tăng 5,45% trong tháng 1/2016 ở cả giá vàng giao ngay và giá vàng tương lai giao tháng 2.
Cũng giống tuần trước, đa số nhà đầu tư và chuyên gia phân tích đều có cái nhìn lạc quan về giá vàng trong tuần mới.
Cụ thể, theo cuộc khảo sát trực tuyến của Kitco, trong 994 người tham gia cuộc khảo sát trực tuyến, có 810 người, chiếm 81% người dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần tới; 112 người, chiếm 11% có đánh giá tiêu cực về giá vàng tuần tới và 72 người, tương đương 7% là giữ quan điểm trung tính.
Còn trong số 34 chuyên gia thị trường được liên hệ, có 17 người trả lời, trong đó có 10 chuyên gia, chiếm 58% đánh giá tích cực về giá vàng trong tuần mới, 4 chuyên gia, chiếm 24% dự đoán giá vàng sẽ giảm trở lại, 3 người, chiếm 18% giữ quan điểm trung lập.
Thông tin về các nhà sản xuất lớn đang muốn ngồi lại với nhau để bàn về việc cắt giảm sản lượng nhằm cứu giá dầu khỏi đà tuột dốc tiếp tục giúp giá dầu thô tăng giá trong phiên cuối tuần để có tuần tăng ấn tượng. Tuy nhiên, mức tăng trong phiên cuối tuần bị hạn chế it nhiều do sức mạnh của đồng USD.
Kết thúc phiên 29/1, giá dầu thô Mỹ tăng 0,4 USD/thùng (+1,19%), lên 33,42 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,85 USD (+2,45%), lên 34,74 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 3,82%, còn giá dầu thô Brent tăng tới 7,96%. Dù đã có tuần phục hồi tốt vừa qua do mùa Đông giá rét và thông tin các nhà sản xuất bàn chuyện giảm sản lượng, nhưng với những tuần lao dốc trước đó, giá dầu thô Mỹ giảm 11,75% trong tháng 1 và giá dầu thô Brent giảm 8,07%.