BOJ chưa có dấu hiệu thay đổi chính sách tiền tệ trong cuộc họp tháng 1

BOJ chưa có dấu hiệu thay đổi chính sách tiền tệ trong cuộc họp tháng 1

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong biên bản tóm tắt ý kiến từ cuộc họp gần nhất được công bố hôm thứ Năm (26/1), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nhấn mạnh mong muốn duy trì chính sách tiền tệ hiện tại, bao gồm cả việc giữ nguyên kiểm soát đường cong lợi suất.

"Kiểm soát đường cong lợi suất" đề cập đến một chính sách của BOJ được thiết kế để giữ lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm trong khoảng 0,5%, trong khi lãi suất ngắn hạn ở Nhật Bản là mức âm.

“Ngân hàng cần tiếp tục kiểm soát đường cong lợi suất hiện tại, xem xét triển vọng rằng sẽ mất thời gian để đạt được mục tiêu ổn định lạm phát 2% một cách bền vững và ổn định”, thông cáo của BOJ nhắc lại lập trường không thay đổi của ngân hàng về mục tiêu lạm phát.

BOJ tiếp tục mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản để đối phó với áp lực tăng lãi suất. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đang giao dịch quanh mức 0,457%, vẫn thấp hơn mức trần trên của phạm vi chịu đựng của ngân hàng trung ương.

“Đã có áp lực tăng đối với lãi suất dài hạn và sự khác thường trên đường cong lợi suất vẫn chưa biến mất”, thông cáo của BOJ cho biết, đồng thời đề cập đến việc mua thêm trái phiếu chính phủ Nhật Bản như một trong nhiều hành động khả thi mà họ có thể thực hiện để giữ đường cong lợi suất trong phạm vi mục tiêu.

Nhà phân tích tiền tệ cấp cao của Ngân hàng MUFG, Jeff Ng cho biết, ông không mong đợi những thay đổi trong lập trường của ngân hàng trung ương trước tháng 4, khi BOJ bổ nhiệm một thống đốc mới.

“Hiện tại, chúng tôi không lường trước được bất kỳ thay đổi nào. Tôi nghĩ rất nhiều điều sẽ phụ thuộc vào dữ liệu lạm phát trong những tháng tới,” ông cho biết.

Theo dữ liệu được công bố vào tuần trước, lạm phát cơ bản trên toàn quốc ở Nhật Bản đạt 4% trong tháng 12/2022, mức cao nhất hàng năm kể từ tháng 12/1981.

“Nếu tiền lương được đàm phán và tăng khá mạnh so với những năm trước, tôi nghĩ điều đó có thể tiếp tục tác động đến áp lực lạm phát”, nhà phân tích Jeff Ng cho biết.

Ngoài ra, mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào tháng 4, khi BOJ triệu tập cuộc họp đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Thống đốc mới.

“Khi Thống đốc mới đến, chúng tôi nghĩ rằng có thể có sự xem xét lại các chính sách siêu hỗ trợ mà BOJ đã thực hiện trong thập kỷ qua. Bất kỳ thay đổi nào cũng là một dạng xoay trục diều hâu so với các thập kỷ trước”, ông cho biết.

Tin bài liên quan