Nhiều khả năng là “sóng lăn tăn”
Thị trường chứng khoán vẫn đang trong giai đoạn thiếu thông tin hỗ trợ và bị tác động không nhỏ bởi diễn biến trên thị trường tài chính thế giới. Nhiều ý kiến nhận định, xác suất xảy ra sóng tăng mạnh không cao, nhiều khả năng là sóng lăn tăn, thậm chí trước đó có một đợt giảm điểm diễn ra. Mặc dù vậy, trong bối cảnh chỉ số VN-Index đang ở vùng đáy 1 năm, thị trường hiện vẫn có nhiều cơ hội đầu tư.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng, thị trường muốn có sóng phải đợi thời điểm thuận lợi, kèm theo kinh tế vĩ mô ủng hộ, dòng tiền khối nội và khối ngoại đồng loạt giải ngân.
Ở thời điểm hiện tại, thị trường đang có dấu hiệu tích cực hơn, nhưng khó có thể có sóng tăng mạnh do nhóm cổ phiếu blue-chips cũng không được kỳ vọng tăng giá nhiều như giai đoạn cuối năm ngoái.
Dòng tiền có thể phân hóa vào các nhóm cổ phiếu có lợi thế - những cổ phiếu cơ bản có nền tảng tài chính lành mạnh, hoạt động kinh doanh tốt, trong khi giá đang ở mức hấp dẫn. Một số nhóm cổ phiếu dự báo thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư là dệt may, thủy sản, vật liệu xây dựng, tiện ích...
“Tôi vẫn nhấn mạnh rằng, thị trường chung không quan trọng bằng cơ hội ở từng cổ phiếu riêng lẻ. Tất nhiên, các cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý IV cũng như cả năm 2018 khả quan cũng là tâm điểm thu hút sự chú ý từ phía các nhà đầu tư”, ông Khánh nói.
Trên một số diễn đàn chứng khoán, câu chuyện về khả năng thị trường tạo sóng cuối năm được nhiều chuyên gia và nhà đầu tư bàn luận. Không ít ý kiến cho rằng, thị trường có thể diễn ra một nhịp giảm cuối cùng trong năm trước khi chuyển sang giai đoạn tăng.
Theo đó, với nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt, nên chờ đợi để mua được cổ phiếu với mức giá thấp. Tuy nhiên, hiện tại vẫn có thể giải ngân, bởi có những mã cơ bản tốt đã có dấu hiệu tạo đáy sau đợt giảm điểm khá mạnh của thị trường trong thời gian qua, nhất là trong tháng 10. Những nhà đầu tư am hiểu về một công ty nào đó và tự tin dự báo doanh nghiệp sẽ có kết quả kinh doanh quý IV tốt thì nên chủ động mua tích lũy.
Trong khi đó, đối với những nhà đầu tư theo xu hướng thì nên kiên nhẫn đợi thêm một vài tuần, cho tới khi thị trường hình thành được xu hướng rõ ràng hơn.
“Sóng tăng đang có dấu hiệu hình thành khi chỉ số không tạo đáy mới trong vòng 1 năm. Nhưng nhiều khả năng chỉ có sóng lăn tăn, chứ khó kéo dài, bởi diễn biến trên thị trường gần đây cho thấy dòng tiền yếu, trong khi nguồn cung cổ phiếu quá nhiều. Do đó, thị trường sẽ phân hóa và lựa chọn đúng cổ phiếu để đầu tư là rất quan trọng”, trưởng phòng môi giới một công ty chứng khoán nhìn nhận.
Thực tế, sau khi VN-Index có một số phiên kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ quanh mốc 900 điểm, thị trường đang có những dấu hiệu tích cực hơn.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận định, khó có thể kỳ vọng thị trường sẽ có sóng tăng mạnh, mà nhiều khả năng diễn ra các nhịp tăng giảm xen kẽ theo xu hướng tích lũy trong khoảng 900 - 960 điểm, tích cực hơn là 980 điểm, do bối cảnh thị trường chứng khoán quốc tế chưa có sự ổn định trở lại, dòng tiền vào thị trường vẫn ở mức thấp.
Trước mắt, VN-Index đang gặp phải những ngưỡng kháng cự mạnh, gần nhất là 930 điểm, tương đương với đỉnh ngắn hạn trước đó.
Trong kịch bản sóng hồi xảy ra, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, yếu tố tạo động lực một phần đến từ kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp, phần khác là đợt sụt giảm vừa qua của thị trường đã tạo ra mặt bằng giá hấp dẫn ở nhiều nhóm cổ phiếu.
Sự hấp dẫn về giá khiến hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, trong đó có Quỹ ETF VFMVN30, tạo ra sự dịch chuyển về dòng tiền ở một số cổ phiếu, qua đó tạo hiệu ứng không nhỏ trên thị trường. Ngoài ra, khi cổ phiếu giảm về mặt bằng giá hấp dẫn, nhiều doanh nghiệp và ban lãnh đạo doanh nghiệp có thể quyết định mua vào cổ phiếu.
Ở chiều ngược lại, vẫn còn đó những yếu tố rủi ro mà thì trường sẽ phải đối mặt trong thời gian tới, điển hình là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất trong tháng 12, khiến cho dòng vốn trên toàn cầu bị xáo trộn, cùng với đó là biến động khó lường của thị trường chứng khoán thế giới.
Hiện tại, P/E bình quân toàn thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở vùng thấp nhất trong vòng 2 năm, từ mức đỉnh 22,5 lần xuống còn khoảng 16 lần.
Dòng cổ phiếu ngân hàng tiếp tục được kỳ vọng sẽ giao dịch sôi động, với sự hỗ trợ của thông tin lãnh đạo một số ngân hàng đăng ký mua vào, trong bối cảnh quý IV là mùa kinh doanh của ngành ngân hàng.
Giá cổ phiếu BID hiện có đáy cao hơn đáy tháng 10; cổ phiếu VCB và TCB đang ở ngưỡng hỗ trợ và tạo mô hình 2 đáy nhỏ; các cổ phiếu vốn hóa lớn khác như VPB, CTG, HDB… có diễn biến khả quan sau khi tạo đáy trong tháng 10.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng có thể thu hút nhà đầu tư khi diễn ra nhịp hồi kỹ thuật của giá dầu sau khi đã giảm 6 tuần liên tiếp. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu kinh doanh ô tô được khuyến nghị theo dõi sau thông tin điều kiện nhập khẩu, kinh doanh ô tô sẽ được xem xét sửa đổi trong buổi làm việc ngày 17/11 giữa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với Bộ Giao thông Vận tải.
Dòng cổ phiếu này gần như bị thị trường quên lãng từ khi có Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô.
Một số kỳ vọng khác
CDự kiến, trung tuần tháng 12, hai quỹ ETF ngoại đang hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam là FTSE Vietnam ETF và VNM ETF sẽ công bố danh mục tái cơ cấu ở kỳ cuối cùng trong năm 2018.
Theo tính toán của Công ty Chứng khoán VietinBank, cổ phiếu HNG, GEX có thể sẽ được các quỹ mua mới trong kỳ tái cơ cấu này. Đây có thể là cơ hội để các nhà đầu tư khác chọn lọc cổ phiếu. Song hoạt động đầu tư dựa vào ETF phần nào bị "bắt bài" trong những năm gần đây, nên cũng không được kỳ vọng nhiều trong thời gian tới.
Một yếu tố khác mà nhà đầu tư kỳ vọng ở thời điểm cuối năm là một số quỹ đầu tư hoặc công ty chứng khoán có hoạt động tự doanh sẽ đẩy giá cổ phiếu nhằm làm đẹp số liệu khi chốt giá trị tài sản ròng (NAV) cho năm tài chính.
Động thái này nếu xảy ra sẽ hỗ trợ thị trường trong bối cảnh chỉ số chung vận động trong hành lang hẹp và các cổ phiếu có sự phân hóa cao, bởi xu hướng chung chưa hình thành.
“Trước đây, hoạt động đỡ NAV thường xảy ra vào thời điểm cuối năm, nhưng không rõ rệt trong những năm gần đây, có lẽ vì giới đầu tư đã nắm được chiêu này. Dù vậy, đây có thể coi là một động lực hỗ trợ thị trường. Thực tế, chỉ cần tăng mua ở một số mã cổ phiếu vốn hóa lớn là có thể kéo được chỉ số và NAV của danh mục lên, qua đó có một báo cáo cuối kỳ đẹp”, anh Đức, một nhà đầu tư nói.
Trong khi đó, nhìn trên góc độ thống kê, thị trường chứng khoán Việt Nam thường có sóng cuối năm âm lịch, còn xét theo năm dương lịch thì diễn biến tháng 12 khá trung tính, với xác suất tăng/giảm là 50/50.
“Hầu như không có tính mùa vụ trong diễn biến giá cổ phiếu hay chỉ số, mà sự vận động của giá cổ phiếu hay chỉ số phụ thuộc vào thông tin cũng như tâm lý, kỳ vọng của nhà đầu tư”, một môi giới chứng khoán nhận xét.