85 CTCK đạt tổng cộng 912 tỷ đồng doanh thu môi giới trong quý IV/2014

85 CTCK đạt tổng cộng 912 tỷ đồng doanh thu môi giới trong quý IV/2014

Bóc tách lợi nhuận của các CTCK

(ĐTCK) Bức tranh lợi nhuận CTCK năm 2014 đã rõ nét hơn với 85 CTCK công bố báo cáo tài chính quý IV/2104. Mảng môi giới, tự doanh, dịch vụ margin, ứng trước tiền bán chứng khoán đóng góp chính trong tổng doanh thu và lợi nhuận của khối DN này.

Quý IV/2014, doanh thu môi giới tăng 2,1 lần

Về mảng môi giới, kết thúc quý IV/2014, Top 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất trên hai sàn đạt doanh thu môi giới 538,3 tỷ đồng, tăng gần 113% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm hơn 59% tổng doanh thu môi giới của 85 CTCK. Đứng đầu về doanh thu môi giới quý IV/2014 là SSI, đạt hơn 95,5 tỷ đồng, luỹ kế cả năm đạt 344 tỷ đồng. Xếp vị trí thứ hai về doanh thu môi giới là HCM (80,4 tỷ đồng) và vị trí thứ ba là VCSC (gần 78 tỷ đồng).

Trong Top 10, CTCK MB có mức tăng trưởng doanh thu môi giới lớn nhất, hơn 4 lần so với cùng kỳ 2013, đạt 37 tỷ đồng. BVS đạt gần 35 tỷ đồng doanh thu môi giới trong quý IV/2014, tăng 152% so với cùng kỳ 2013. Nhờ đó, BVS lãi cả năm 2014 hơn 41 tỷ đồng, tăng gấp gần 5 lần so với năm 2013.

Thị trường sôi động, giá trị giao dịch tăng cao giúp doanh thu môi giới của các CTCK tăng mạnh. Đương nhiên, song hành và tỷ lệ thuận với môi giới chính là hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin). Về con số cho vay margin của các CTCK, có lẽ không thể có được con số thống kê chính xác. Tuy nhiên, xét về vị thế thì dẫn đầu về dư nợ cho vay margin vẫn là các CTCK: SSI, HCM, MBS, ACBS, FPTS… Gia tăng quy mô margin cũng giúp các CTCK thay đổi vị trí trong bảng xếp hạng thị phần môi giới. Đơn cử, trong quý III/2014, CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) lần đầu tiên lọt vào Top 10 và đạt vị trí dẫn đầu trên sàn HNX. Quý IV/2014, SHS đạt 399 tỷ đồng doanh thu, trong đó mảng môi giới, tự doanh tăng 198% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 66% tổng doanh thu; lợi nhuận sau thuế âm gần 21 tỷ đồng, nhưng tổng kết cả năm 2014, Công ty lãi đột biến 122 tỷ đồng, gấp 10 lần năm 2013.

Tự doanh: lớn lãi nhiều, bé lãi ít

Trong năm 2014, các công ty SSI, HCM, VCBS, VCSC tiếp tục giữ các vị trí dẫn đầu về doanh thu tự doanh. Công ty mẹ SSI thu về gần 771 tỷ đồng doanh thu tự doanh, chiếm xấp xỉ 27% tổng doanh thu tự doanh của 85 CTCK. Tính đến cuối năm 2014, đầu tư tài chính ngắn hạn của SSI là hơn 1.972 tỷ đồng, tăng trên 63% so với đầu năm. Đáng chú ý, CTCK MB (MBS) có doanh thu tự doanh tăng 19 lần so với năm 2013, nhờ nguồn vốn gia tăng và tự chủ hơn về tài chính khi hợp nhất với CTCK VIT.

Tại các CTCK quy mô nhỏ, nhiều công ty có doanh thu tự doanh tăng mạnh, nhưng về con số tuyệt đối thì không đáng kể. Chẳng hạn, doanh thu tự doanh năm 2014 của CTCK Thành Công (TCSC) tăng 24 lần, nhưng chỉ đạt 2,8 tỷ đồng, vì năm 2013 đạt vỏn vẹn 112 triệu đồng. Tương tự, CTCK Artex có doanh thu tự doanh năm 2014 tăng 64 lần, nhưng cũng chỉ đạt 645 triệu đồng, vì doanh thu năm 2013 là… 1 triệu đồng.

Trong nhóm CTCK có sự sụt giảm về doanh thu môi giới năm 2014, ACBS có mức giảm trên 88% so với năm 2013. CTCP VPBS có khoản đầu tư ngắn hạn tăng mạnh, nhưng doanh thu tự doanh giảm hơn 81%, đạt trên 40 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2014, VPBS có khoản đầu tư ngắn hạn là 1.317 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm. Tương tự, CTCK An Phát tăng 111% khoản đầu tư ngắn hạn, nhưng doanh thu tự doanh gần như không có khi giảm 98%, với vỏn vẹn 62 triệu đồng.

Đáng chú ý, một số CTCK bắt đầu thoát lỗ/giảm lỗ luỹ kế. Năm 2014, CTCK Phương Đông (ORS) đạt doanh thu 11,9 tỷ đồng, tăng gần 30%; lợi nhuận sau thuế đạt 645 triệu đồng, trong khi năm 2013 lỗ nặng. Tương tự, CTCK Rồng Việt (VDSC) đạt 228 tỷ đồng doanh thu, tăng 137%; lợi nhuận sau thuế đạt 105 tỷ đồng, tăng 70 lần. Năm 2015, mục tiêu của VDSC là xoá hết lỗ luỹ kế.

Tin bài liên quan