Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải kiểm tra, rà soát, hoàn chỉnh cập nhật kế hoạch phòng, chống dịch với khu công nghiệp.
Ngày 27/5, Bộ Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp cho 63 tỉnh, thành phố.
Theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 qua thực tế kiểm tra hơn 200 nhà máy, doanh nghiệp, Đoàn công tác Bộ Y tế ghi nhận có một số nhà máy, doanh nghiệp ở một số địa phương còn hạn chế trong công tác phòng, chống dịch.
Một số địa phương chưa xây dựng hoặc chưa xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch phòng, chống dịch tại khu công nghiệp và của từng nhà máy. Công tác kiểm tra, giám sát và yêu cầu duy trì người lao động đến làm việc tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch còn hạn chế. Việc cập nhật lên bản đồ An toàn Covid mới chỉ đạt 5-10% trong số các doanh nghiệp, nhà máy được kiểm tra.
Trước thực tế nêu trên, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị địa phương phải phân công rõ trách nhiệm từng người để trực tiếp phụ trách từng doanh nghiệp, chịu trách nhiệm trước chính quyền và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh.
Các địa phương phải kiểm tra, rà soát, hoàn chỉnh cập nhật kế hoạch phòng, chống dịch với khu công nghiệp. Với các doanh nghiệp chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19, các doanh nghiệp phải chủ động kiểm tra có phương án phòng, chống dịch cụ thể như phân luồng với ca làm việc;
Doanh nghiệp cần kiện toàn thành lập tổ phòng, chống dịch trong từng bộ phận; Yêu cầu công nhân đi làm phải khai báo y tế; chính quyền địa phương phải chỉ đạo ngành Y tế và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để khám sàng lọc, ít nhất khám cho 20% số công nhân lao động có nghi ngờ.
“Thực hiện nghiêm giãn cách trong sản xuất, giờ ăn trưa và tan ca bảo đảm công tác chống dịch. Với doanh nghiệp đã có ca bệnh phải làm tốt công tác khoanh vùng, cách ly, và truy vết triệt để các ca nhiễm, giảm tối đa ca nhiễm lây ra cộng đồng", Thứ trưởng Tuyên nói.
Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu việc vận chuyển công nhân tại các doanh nghiệp cũng phải thực hiện xe thông thoáng, mở cửa, giảm 50% lượng người trên xe, thực hiện ngồi giãn cách, phun khử khuẩn xe hàng ngày.
Với những nơi vừa xuất hiện ca bệnh ngoài cộng đồng và trong doanh nghiệp, Bộ Y tế đề nghị địa phương phải thực hiện đồng bộ các biện pháp chống dịch tại cả hai nơi, tránh việc lây nhiễm từ cộng đồng vào doanh nghiệp và ngược lại.
Dự báo dịch sẽ còn kéo dài theo yêu cầu của lãnh đạo ngành Y tế, các doanh nghiệp cần lên phương án sàng lọc từng phân xưởng, từng nhóm công nhân, nếu từng bước an toàn dần dần đưa từng phân xưởng vào hoạt động để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa ổn định sản xuất kinh doanh vừa phòng chống dịch, một số nhà máy, doanh nghiệp trên địa bàn Bắc Giang đang thực hiện tốt quy định phòng chống dịch đã mạnh dạn xin đề xuất được phép hoạt động trở lại.
Ông Đặng Hoàng Long, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, trên địa bàn có khoảng 8 doanh nghiệp đề xuất hoạt động trở lại. Đây đều là các doanh nghiệp lớn thuộc các chuỗi sản xuất toàn cầu.
Tuy vậy để hiện thực hoá đề xuất này theo ông Long, những doanh nghiệp phải hoàn thiện theo đúng bảng điểm quy định của Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19. Nếu đủ điều kiện doanh nghiệp sẽ được hoạt động, ngược lại nếu không đủ điều kiện sẽ bị loại.
“Kể cả sau khi doanh nghiệp đi vào hoạt động cũng các tổ cũng sẽ kiểm tra thường xuyên để giám sát, nếu không đảm bảo yêu cầu sẽ bị yêu cầu dừng hoạt động”, ông Long cho hay.
Đưa ra tiêu chí để doanh nghiệp được tái hoạt động, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp khẳng định, để đạt được các tiêu chí an toàn, doanh nghiệp cần hoàn thiện một số điểm như cung cấp danh sách cụ thể của công nhân và số lượng mỗi ca;
Doanh nghiệp chỉ được lựa chọn những công nhân đã nằm ngoài các khu cách ly tập trung, hoặc công nhân ở những điểm không có dịch, đã được xét nghiệm Covid-19 vào làm việc.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải bố trí khu vực cách ly F1 sẵn sàng tại khu vực phía ngoài, đồng thời xây dựng kịch bản khi phát hiện công nhân dương tính.
Theo yêu cầu của ông Sơn, doanh nghiệp cũng cần đề ra những quy định xử phạt nghiêm khắc, có cán bộ y tế có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề đúng quy định.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!