Bệnh viện Bạch Mai. (Nguồn: qdnd.vn)
Chiều 16/8, Đoàn kiểm tra số 1 do Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh làm Trưởng đoàn đã kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Y tế, đoàn kiểm tra, khảo sát ghi nhận tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư trang thiết bị để tìm ra các giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho bệnh viện.
"Tất cả mọi nỗ lực và giải pháp đều hướng tới mục tiêu hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế," Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh.
Tại Bệnh viện Bạch Mai - Bệnh viện hạng đặc biệt, báo cáo với Đoàn kiểm tra, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau khi dịch COVID-19 tạm lắng, số bệnh nhân đến bệnh viện tăng đột biến, tăng gấp 5 lần, gây ra quá tải bệnh viện và đã xảy ra tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư, hóa chất.
"Số lượng bệnh nhân đến khám trung bình từ 6.500-8.000 lượt/ngày. Số lượng bệnh nhân nhập viện trung bình 600-700 người/ngày. Số bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện từ 3.800-4.000 người," Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ thông tin.
Trong 6 tháng đầu năm, bệnh viện đã thực hiện 249.523 ca thủ thuật; trên 8.900 ca phẫu thuật; triển khai kỹ thuật cao 1.976 ca; ghép thận 15 ca; lọc máu bằng kỹ thuật thẩm tách siêu lọc dịch bù trực tiếp từ dịch lọc 190 ca; phẫu thuật vi phẫu u não nền sọ 98 ca...
Một trong những nguyên nhân thiếu trang thiết bị, vật tư, hóa chất... mà bệnh viện chỉ ra là do dịch COVID-19 kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng thuốc của doanh nghiệp.
Nhiều mặt hàng không có nhà thầu tham dự do không có hàng, giá tăng cao không có lợi nhuận, không đạt kỹ thuật.
Năm 2022 có tới 77/1.690 khoản thuốc nhà thầu không cung ứng đủ theo đơn đặt hàng, đã ảnh hưởng đến lượng thuốc dự trữ của bệnh viện trong thời gian chờ kết quả thầu.
Bệnh viện cũng kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế có chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh triển khai đấu thầu tập trung cấp quốc gia và cấp địa phương, giảm bớt danh mục đấu thầu tại các cơ sở y tế do những ưu điểm là đấu thầu tập trung lượng lớn, thu hút nhiều nhà thầu tham gia nên có nhiều khả năng chọn lựa được thuốc.
Đấu thầu tập trung sẽ tăng tính cạnh tranh, thường có giá trúng thầu thấp hơn đấu thầu tại từng cơ sở y tế. Bên cạnh có giá thống nhất trên toàn địa bàn, đấu thầu tập trung còn giảm được nhân lực, thời gian, chi phí tổ chức đấu thầu ở tất cả các bệnh viện, đồng thời cán bộ tham gia đấu thầu tập trung có tính chuyên nghiệp cao hơn, ít sai sót, xử lý tình huống chính xác hơn đấu thầu tại bệnh viện...
Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc bệnh viện cho biết bệnh viện có 350 giường nội trú và 10 phòng mổ hiện đại, công suất sử dụng giường bệnh 86-88 %/năm (năm 2021 là 53% do dịch COVID-19). Giai đoạn cao điểm vào mùa hè, công suất sử dụng giường bệnh là 98-100%, phẫu thuật từ 80-90 ca mổ/ngày.
"Việc thiếu vật tư đã ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn điều trị và chất lượng dịch vụ, sự hài lòng người bệnh, nhân viên y tế. Bệnh viện phải chuyển bệnh nhân sang các bệnh viện khác để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật mà bệnh viện không thực hiện được do thiếu vật tư như chụp CT, MRI... Hiện bệnh viện phải áp dụng các phương pháp, kỹ thuật cũ để điều trị cho bệnh nhân. Việc không đảm bảo thuốc, vật tư hoá chất đã ảnh hưởng chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện," Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Tuấn Cảnh cho biết.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Tuấn Cảnh, việc sử dụng một số thiết bị chẩn đoán hình ảnh gặp khó khăn do trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng. Nguyên nhân do các thiết bị này chỉ có một nhà phân phối tại khu vực phía Bắc, không cung cấp được hợp đồng, không có đủ báo giá để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu...
Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế cho phép tổ chức đấu thầu tập trung quốc gia tất cả các danh mục thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Tuấn Cảnh đề xuất, trước mắt các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung và hướng dẫn cách xây dựng giá kế hoạch để đảm bảo các cơ sở có thể mua sắm được. Về lâu dài cần hoàn thiện hệ thống văn bản, quy trình và sớm ban hành các văn bản về đấu thầu để các bệnh viện có cơ sở để thực hiện...
Sau khi kiểm tra và lắng nghe báo cáo từ hai bệnh viện, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê đánh giá: "Vấn đề nổi lên hiện nay là hoạt động đấu thầu tại các bệnh viện. Trong đó, có những quy định phải sửa và điều chỉnh mang tính khách quan và chủ quan. Trang thiết bị sau thời điểm dịch COVID-19 kéo dài có nhiều biến động do khủng hoảng dầu lửa, đứt gãy chuỗi cung ứng, trong khi các quy định về đấu thầu còn bộc lộ bất cập. Bên cạnh đó, các bác sỹ giỏi về chuyên môn nhưng gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu, lập kế hoạch khiến cho công tác dự trù, đấu thầu và mua sắm thuốc nhiều khi bị chậm."
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê: Hiện cán bộ y tế và cán bộ của những nhà cung cấp trang thiết bị đều có tâm lý e ngại sợ sai sau một loạt các vụ việc của ngành Y tế. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiếu trang thiết bị, vật tư... nhưng các bác sỹ đều nỗ lực đưa ra nhiều nhóm giải pháp để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh, tăng cường giải thích cho người bệnh những khó khăn của bệnh viện gặp phải.
Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, việc thiếu một số nhóm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế đã ảnh hưởng nhiều đến chức năng và nhiệm vụ của bệnh viện hạng đặc biệt, đa khoa tuyến cuối như Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương.
Đoàn kiểm tra cũng đề nghị hai bệnh viện hoàn thiện những nội dung trong bản báo cáo để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ sớm có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bệnh viện trước mắt và lâu dài phù hợp với tình hình thực tiễn.