Nói là “nguy cơ”, bởi bộ này còn đang chờ phản ứng từ dư luận để đi đến quyết định có sửa hay không sửa một chính sách mới ban hành cách đây…một tháng. Chuyện là ngày 12/2/2014, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 02/2014/TT-BXD hướng dẫn thi hành Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, trong đó quy định về xử lý vi phạm đối với một số trường hợp thi công xây dựng công trình sai phép, không phép theo hướng “phạt cho tồn tại”. Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2/4/2014.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, đơn vị chủ trì soạn thảo thông tư trên, lý giải, quy định mới này nhằm để xử lý một số trường hợp xây dựng sai phép, không phép, sau khi hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng mới bị phát hiện, trong trường hợp nếu buộc phá dỡ thì cũng gây lãng phí lớn cho xã hội.
Tuy nhiên, điều gây ngạc nhiên là sau khi Thông tư 02 được ban hành đúng 1 tháng, ngày 12/3/2014, Bộ Xây dựng lại ra Thông cáo báo chí với nội dung sẽ “đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, đồng thời tiến hành sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2014/TT-BXD cho phù hợp để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng đô thị, cũng như tránh làm lãng phí các nguồn lực xã hội trong hoạt động đầu tư xây dựng”.
Nguyên nhân được Bộ Xây dựng giải thích rằng, “do có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có những ý kiến không đồng tình”, và “với quan ngại rằng việc thực hiện quy định này có thể làm gia tăng các trường hợp sai phạm”.
Sự cầu thị của cơ quan ban hành chính sách là rất đáng hoan nghênh, nhưng ngược lại nó cũng đặt ra câu hỏi về năng lực soạn thảo chính sách cũng như quá trình lấy ý kiến góp ý trước khi đưa chính sách vào cuộc sống đã thực sự nghiêm túc?
Lại nhớ cách đây không lâu, Thông tư 16/2010 cũng của Bộ Xây dựng đưa ra 2 cách tính diện tích căn hộ là tim tường và thông thủy bị cho là mâu thuẫn với Luật Nhà ở và gây thiệt hại cho khách hàng. Sự việc căng thẳng đến mức Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phải 2 lần yêu cầu Bộ Xây dựng giải trình (năm 2011 và năm 2014); đồng thời tại cuộc họp mới đây, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Văn Minh còn yêu cầu Bộ Xây dựng cần đưa ra lời xin lỗi những người bị tác động tiêu cực!
Đáp lại, Bộ Xây dựng ra văn bản khẳng định Thông tư 16 không sai, đồng thời ban hành Thông tư 03/2014/TT-BXD quy định 1 phương án tính diện tích căn hộ là thông thủy. Bình luận về tình huống này, ông Ngô Văn Minh đặt câu hỏi, vì sao không thừa nhận Thông tư 16 sai nhưng Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 03 để thay thế?
Lần ngược trở lại các chính sách hỗ trợ thị trường như gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng; cho phép chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội… đều không triển khai hiệu quả như mục tiêu ban đầu. Thậm chí, bị phản đối mạnh như quy định sở hữu căn hộ chung cư 70 năm, bỏ giao dịch qua sàn, không được sử dụng căn hộ làm nhà hàng, nhà nghỉ… Và cứ sau mỗi nội dung bị dư luận phản ứng, lại thấy Bộ Xây dựng “tiếp thu và sửa chữa”.
Bình luận về những quy định mới ban hành đã chịu sự phản đối gay gắt, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trường Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, lâu nay cách làm luật của ta nhiều khi thiếu thực tế, có tầm nhìn ngắn hạn. Những quy định liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân nhưng lại không tham khảo ý kiến của dân nên khó đi vào cuộc sống.
Theo dõi một quá trình dài cách làm luật của Bộ Xây dựng, nhiều người hóm hỉnh liên hệ với câu chuyện “đẽo cày giữa đường”. Bài học mà bác nông dân rút ra là “làm việc gì cũng vậy, mình phải có chính kiến của mình và kiên trì với một con đường đã chọn”.
Tất nhiên, để có thể “kiên trì với con đường đã chọn”, để những chính sách luôn phù hợp và đi vào cuộc sống một cách hiệu quả thì nhà quản lý, ban hành chính sách cần phải thấu hiểu thực tế. Và trong trường hợp này, câu nói “mọi lý thuyết đều màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi” chính là bài học rất thời sự với nhiều chính sách điều chỉnh thị trường bất động sản thời gian qua.