Một công trình xây dựng sai phép bị tháo dỡ

Một công trình xây dựng sai phép bị tháo dỡ

Bộ Xây dựng "tạo đất" cho xây dựng trái phép?

(ĐTCK) Từ ngày 2/4/2014, nhiều công trình vi phạm trong lĩnh vực xây dựng sẽ không bị tháo dỡ, mà chỉ cần nộp phạt, với mức phạt nhiều hơn.
Sau hơn 2 tháng chậm trễ, cuối cùng, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư số 02/2014/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Nghị định 121/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 30/11/2013) về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 2/4/2014.

“Dọa” dỡ bỏ không sợ

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, các công trình xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế, sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị theo quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP trước đây thì phải bị dỡ bỏ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết các đô thị đều thiếu quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, thiếu thiết kế đô thị, do vậy, việc cấp phép xây dựng chủ yếu dựa vào chủ quan của một cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền cấp phép. Vì vậy, hàng nghìn công trình xây dựng sai phép tồn tại từ nhiều năm nay không xử lý được, chủ yếu ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM.

Lý do không xử lý được là do thiếu quy hoạch chi tiết, đây là cơ sở pháp lý gốc để cấp phép xây dựng. Mặt khác, xuất phát từ công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch của các địa phương còn lỏng lẻo, nhiều công trình còn được chính quyền cơ sở “bao che” cho việc xây dựng, nên việc phá dỡ công trình vi phạm trong trường hợp này rất khó khăn và gây lãng phí tài sản của người dân.

“Trên thực tế, nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình có quy mô lớn đa phần sai quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt ban đầu. Sai phạm chủ yếu là nâng thêm tầng, tăng diện tích đất xây dựng kinh doanh, thu hẹp diện tích xây dựng công trình hạ tầng xã hội như trường học, công viên, cây xanh…”, ông Yên phản ánh và nhấn mạnh, những sai phạm này không thể phá dỡ và trên thực tế chưa dự án lớn nào bị phá dỡ. Như vậy, duy nhất chủ đầu tư được hưởng lợi, trong khi người dân tại đó và công trình lân cận phải chịu những thiệt hại về điều kiện sống.

“Đánh” mạnh vào kinh tế

Để khắc phục tình trạng này, theo ông Yên, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định những hành vi vi phạm trên mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì sẽ không bị tháo dỡ, mà sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo hướng tăng nặng.

Cụ thể, trong lĩnh hoạt động xây dựng, mức phạt được nâng từ 500 triệu đồng lên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, một số hành vi vi phạm khác cũng có mức phạt cao hơn, đặc biệt đối với các giai đoạn của hoạt động xây dựng, nhằm nâng cao tính răn đe, ngăn ngừa vi phạm, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể về đảm bảo chất lượng công trình xây dựng ngay từ giai đoạn đầu, từ khâu khảo sát xây dựng. Đây là mức phạt tối đa đối với tổ chức. Đối với cá nhân, mức phạt bằng 1/2 mức phạt với tổ chức.

Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo hướng tăng nặng như trên, chủ đầu tư của những công trình vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng, hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng, hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Theo ông Yên, việc buộc nộp lại 50% giá trị phần sai phép, sai thiết kế, quy hoạch được duyệt… nhằm khắc phục những thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra. Nếu trước đây, biện pháp này được quy định thì chắc chắn sẽ không có dự án nào dám tự nâng tầng để phục vụ mục đích kinh doanh.

Trả lời câu hỏi việc phạt cho tồn tại có tạo đất cho xây dựng trái phép, ông Yên khẳng định: “Quy định này không phải để khuyến khích hành vi vi phạm trật tự xây dựng, cũng không phải phạt cho tồn tại, mà nhằm khắc phục những tồn tại lâu nay không xử lý được, đồng thời rất thực tế và hiệu quả trong ngăn ngừa vi phạm mới”.

Tin bài liên quan