Bộ Xây dựng đã bán xong 13,2 triệu cổ phần SHG với giá cao gấp 3 lần giá thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau phiên đấu giá thành công, Bộ Xây dựng đã thu về hơn 139 tỷ đồng và không còn là cổ đông của Tổng công ty cổ phần Sông Hồng (mã SHG, sàn HNX).
Tổng công ty cổ phần Sông Hồng có trụ sở chính tại 70 An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ, HN

Tổng công ty cổ phần Sông Hồng có trụ sở chính tại 70 An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ, HN

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố kết quả đăng ký bán đấu giá của Tổng công ty cổ phần Sông Hồng do Bộ Xây dựng sở hữu.

Theo đó, ngày 22/12, cổ đông Nhà nước - Bộ Xây dựng đã bán đấu giá thành công 13,2 triệu cổ phiếu SHG với giá 10.500 đồng/CP, bằng giá khởi điểm và không còn là cổ đông tại SHG.

Danh tính cổ đông lớn mới không được tiết lộ, chỉ biết rằng đó là một nhà đầu tư tổ chức (đăng ký mua 13,23 triệu cổ phiếu) và một nhà đầu tư cá nhân (đăng ký mua 11.200 cổ phiếu)

Trên thị trường, cổ phiếu SHG tăng hết biên độ trong phiên 22/12 lên 3.100 đồng/CP sau nhiều phiên "nằm im" tại tham chiếu 2.500 đồng/CP do không có giao dịch. Cổ phiếu này hiện đang bị hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào thứ Sáu do âm vốn chủ sở hữu và 2 năm tài chính liên tiếp gần đây không tổ chức đại hội cổ đông).

Như vậy, so với mức thị giá trên, Bộ Xây dựng đã bán vốn thành công lượng cổ phiếu SHG với giá gấp hơn 3 lần giá thị trường.

Trước đó, như báo Đầu tư Chứng khoán đã phản ánh tại bài viết Lo mất vốn nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Sông Hồng (SHG), Bộ Xây dựng từng muốn thoái sạch vốn SHG nắm giữ với giá khởi điểm đấu giá là 10.000 đồng/CP, dự kiến vào ngày 25/12/2020. Tuy nhiên, phiên đấu giá không được tổ chức do vướng mắc một số vấn đề.

Tổng công ty cổ phần Sông Hồng (địa chỉ 70 An Dương, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) tiền thân là Công ty Kiến trúc Việt Trì, một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng.

Công ty này từng tham gia xây dựng hàng loạt công trình lớn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Sân bay Nội Bài (Hà Nội), Nhà máy Giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), Sân bay Sao Vàng (Thanh Hoá), Nhà thi đấu đa năng TP. Đà Nẵng, dự án 165 Thái Hà (Hà Nội), Nhà thi đấu thể dục thể thao Nam Định, Dự án Khu nhà máy chính và khu hành chính - Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (Hà Tĩnh)...; các khu căn hộ chung cư ở Kim Liên, Giảng Võ (Hà Nội).

Tuy nhiên sau cổ phần hoá, Công ty không có hợp đồng mới, cộng với một số vấn đề quản trị nên hoạt động kinh doanh ngày càng sa sút.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ soát xét do SHG công bố hồi tháng 11/2023, nửa đầu năm 2023 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu chỉ hơn 3,86 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế âm 26,9 tỷ đồng, tương đương mức lỗ của 6 tháng đầu năm trước. Mức lỗ này đã nâng mức lỗ lũy kế của SHG tại thời điểm 30/6/2203 lên 1.293 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm âm 987 tỷ đồng, nợ phải trả 1.972 tỷ đồng.

Trong vòng một thập kỷ qua, Công ty có đến 9 năm kinh doanh thua lỗ. Các khoản lỗ sau thuế các năm từ 2015 đến 2022 lần lượt là 85,1 tỷ đồng; 187,1 tỷ đồng; 55,5 tỷ đồng; 387,5 tỷ đồng; 72,8 tỷ đồng; 56,9 tỷ đồng; 57,5 tỷ đồng và 178,2 tỷ đồng.

Tin bài liên quan