Bộ tứ bán lẻ "ngấm đòn"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sức mua giảm sút đã ảnh hưởng rõ rệt tới kết quả kinh doanh quý IV/2022 và các tháng đầu năm nay của nhóm doanh nghiệp bán lẻ trên sàn chứng khoán.

Báo cáo tài chính quý IV/2022 của 4 doanh nghiệp bán lẻ và phân phối thiết bị công nghệ đang niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, doanh thu trong quý giảm trung bình 21,2%, lợi nhuận ròng giảm 70,8% so với cùng kỳ.

Cụ thể, tại Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, mã PET), doanh thu quý IV/2022 đạt 4.835,1 tỷ đồng, lợi nhuận vẻn vẹn 740 triệu đồng, giảm 20,9% về doanh thu và 99,5% về lợi nhuận so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận ròng trong quý giảm mạnh từ 2,26% về 0,02%. Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu tăng nhẹ 0,4%, song lợi nhuận giảm 46,1%, về còn 167,8 tỷ đồng.

Mới đây, Petrosetco công bố kết quả kinh doanh tháng 1/2023, với doanh thu đạt 1.210 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2 tỷ đồng, lần lượt giảm 26% và 93,9% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu hoạt động phân phối giảm 28,1%, về 1.051 tỷ đồng. Đáng nói, doanh thu phân phối điện thoại tăng 44,8%, còn doanh thu laptop giảm 88,6%; thiết bị IT khác giảm 50%...

Tại Công ty cổ phần Thế giới di động (mã MWG), trong quý IV/2022, doanh thu giảm 15,4%, về 30.588,4 tỷ đồng; lợi nhuận giảm tới 60,4%, về 619 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm, lợi nhuận giảm 16,3%, về 4.101,7 tỷ đồng, chấm dứt thời kỳ tăng trưởng dương kéo dài từ khi niêm yết (vào năm 2014) tới nay. Biên lợi nhuận ròng giảm mạnh từ 4,33% về còn 2,02%.

Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã DGW) cũng không nằm ngoài xu hướng chung. Quý IV/2022, doanh thu của Công ty giảm 48,2%, về 4.075,1 tỷ đồng; lợi nhuận giảm 52%, về 155,6 tỷ đồng. Luỹ kế năm 2022, lợi nhuận vẫn tăng 4,4%, lên 683,6 tỷ đồng.

Tại Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT), trong quý IV/2022, doanh thu giảm 0,2% về 8.457,8 tỷ đồng; lợi nhuận giảm 71,2%, về 96,7 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm 2022, lợi nhuận giảm 10,3%, về còn 398,1 tỷ đồng. Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, thị trường bán lẻ điện thoại, laptop trong năm 2023 không được thuận lợi. Lạm phát, thất nghiệp tăng cao khiến người dân phải “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu đối với những mặt hàng không thiết yếu, trong đó có nhóm sản phẩm công nghệ.

Báo cáo của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường dự báo 2023 là năm có nhiều khó khăn, thách thức với ngành hàng ICT. Đặc biệt, giai đoạn đại dịch, người dân tích cực mua sắm điện thoại, laptop để làm việc, học tập online và giờ đây vẫn chưa có nhu cầu thay mới.

“Do những yếu tố bất định, vô cùng khó khăn của thị trường, kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm 2023 của FPT Retail không đạt kỳ vọng”, bà Điệp tiết lộ.

Thực tế, sự suy thoái của nền kinh tế thế giới đang ảnh hưởng rõ nét đến nền kinh tế trong nước. Các doanh nghiệp thiếu đơn hàng xuất khẩu, hàng loạt công ty cắt giảm giờ làm, sa thải lao động, đặc biệt trong nhóm doanh nghiệp dệt may, da giày - những lĩnh vực thâm dụng lao động… Thu nhập giảm ở nhiều lĩnh vực được dự báo sẽ là thách thức lớn đối với ngành bán lẻ trong giai đoạn đầu năm 2023.

SSI Research cho biết, lạm phát cao sẽ gây áp lực lên chi phí (logistics, nhân công và tiền thuê mặt bằng), trong khi lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp sẽ làm giảm sức cầu với các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu, gây khó khăn cho việc chuyển phần tăng chi phí cho khách hàng.

Tin bài liên quan