Chưa quá bất thường
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, định hướng cơ bản nhất là kiểm soát để thị trường bất động sản vận hành một cách minh bạch, bền vững, bởi sự ổn định của thị trường này có tác động quan trọng trong việc phát triển kinh tế vĩ mô.
Ông Hà thừa nhận, hiện nay cơ quan quản lý ngành vẫn đang trong quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thị trường. Các văn bản quy phạm pháp luật vẫn có sự chồng chéo. Thông tin và sự minh bạch thông tin về thị trường bất động sản vẫn đang ở bước đầu. Cơ chế tạo vốn cho thị trường cũng còn sơ khai, phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng, vì vậy tới đây sẽ phải phát triển thêm các thể chế tài chính thúc đẩy vốn cho thị trường bất động sản.
Trả lời câu hỏi thị trường bất động sản đã có dấu hiệu khủng hoảng, bong bóng chưa, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, phân tích trên một số yếu tố cơ bản theo thông lệ quốc tế, như sự ổn định về kinh tế vĩ mô, tình hình đầu tư, trong thời gian trước mắt chưa có dấu hiệu quá bất bình thường trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, có 3 yếu tố đang diễn ra hiện nay cần phải đặc biệt lưu ý.
Một là sự lệch pha trong nguồn cung khi nguồn cung căn hộ cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng nhiều hơn nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp. Nếu thực hiện hết các dự án bất động sản thì có khả năng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, sẽ dư thừa nguồn cung cao cấp, nhưng thiếu nhà cho người thu nhập thấp.
Thứ hai, dù dư nợ tín dụng bất động sản hiện nay vẫn ở giới hạn an toàn khoảng 8% tổng dư nợ. Tuy nhiên, phần lớn tín dụng lại chỉ tập chung vào sản phẩm cao cấp hoặc chỉ tập trung một số nhà đầu tư. Điều này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu như chúng ta không kiểm soát tốt nguồn tài chính vào thị trường.
Thứ ba, dư luận có nhiều ý kiến về việc tăng giá sản phẩm do tác động của nhà đầu tư thứ cấp, đã bắt đầu có đầu cơ, dự án tăng giá từ 3 - 7%, cục bộ ở một số dự án có sự tăng giá cao hơn nhiều. Đây là kết quả của đầu cơ, của một số đơn vị bán hàng đẩy giá. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng chưa phải phổ biến.
Sẵn sàng nhận phản ánh trực tiếp
Trao đổi tại cuộc gặp gỡ, Chủ tịch VNREA Nguyễn Trần Nam cho rằng, cơ cấu sản phẩm bất động sản hiện nay đang có sự mất cân đối nên Bộ Xây dựng cần có sự can thiệp để ổn định thị trường. Đơn vị này đồng thời cũng kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an sớm công bố các khu vực thuộc an ninh - quốc phòng không cho phép người nước ngoài giao dịch mua nhà đất, nhằm giúp công tác quản lý dễ dàng và minh bạch hơn.
Trả lời thắc mắc, kiến nghị của đại diện các chủ đầu tư, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho biết thêm, trong trong 2 - 3 tháng nay, Bộ Xây dựng đã tiến hành rà soát các văn bản liên quan đến đầu tư kinh doanh, nhất là thủ tục hành chính.
Theo ông Duy, hiện Bộ Xây dựng đã kết hợp với Bộ Tư pháp sửa đổi một số điều liên quan đến Luật Đầu tư kinh doanh trong đó có lĩnh vực nhà ở, xây dựng. Với các kiến nghị mới của doanh nghiệp, Thứ trưởng Duy khẳng định, sẽ tiếp thu và bổ sung vào việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật sắp tơi.
Về nguồn vốn cho vay mua nhà ở xã hội, ông Duy cho biết, hiện nguồn vốn này đang được thu xếp và sẽ giải ngân ngay sau khi hết hạn gói 30.000 tỷ. Trong khi đó, thủ tục cấp phép đối với công trình dự kiến sẽ tiếp tục rút ngắn còn 20 - 25 ngày, thay vì 30 ngày như hiện nay để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong đầu tư dự án mới.
Kết thúc cuộc gặp gỡ, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định, nếu 6 giải pháp Bộ đưa ra để kiểm soát thị trường như việc minh bạch thông tin, thúc đẩy thị trường vốn và các giải pháp giải quyết sự lệch pha cung cầu… được thực hiện nghiêm túc, thị trường bất động sản sẽ phát triển lành mạnh và ổn định hơn trong thời gian tới.
“Bộ trưởng sẵn sàng nhận phản ánh trực tiếp từ doanh nghiệp. Bởi Bộ trưởng nhận được phản ánh trực tiếp thì chỉ đạo cũng nhanh hơn”, ông Hà cam kết với các chủ đầu tư.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com