Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Công nghiệp cơ khí... nhìn chung còn yếu kém

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Công nghiệp cơ khí... nhìn chung còn yếu kém

(ĐTCK) Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng diễn ra chiều 17 và sáng 18/11, bên cạnh nội dung phát triển công nghiệp phụ trợ, các đại biểu cũng tập trung chất vấn về công nghiệp chế tạo.

Chỉ phát triển ở một số lĩnh vực

Theo các đại biểu, từ hơn 10 năm trước, Việt Nam đã có Nghị quyết về phát triển công nghiệp chế tạo và công nghiệp phụ trợ, nhưng đến nay vẫn còn rất yếu kém, nền công nghiệp đa phần là lắp rắp và gia công.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, không phải tất cả các lĩnh vực chúng ta đều yếu kém. Với ngành cơ khí, Việt Nam có thể sản xuất được thiết bị đồng bộ xi măng lò quay công suất đến 700.000 tấn/năm. Nhà máy thiết bị điện Đông Anh đã sản xuất được máy biến thế 500 KV, chưa nước nào ở Đông Nam Á làm được.

Ngành dầu khí chế tạo thành công giàn khoan sâu 90 mét nước, với tỷ lệ nội địa hóa 30% và đang tiếp tục thiết kế và chế tạo giàn khoan sâu 120 mét, tỷ lệ nội địa hóa sẽ tăng lên 40%. Tiếp sau Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, chúng ta đang xây dựng Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn. Lĩnh vực phân bón có Nhà máy đạm Cà Mau, Nhà máy đạm Phú Mỹ và chuẩn bị có Nhà máy đạm Hà Bắc mở rộng, đều có công nghệ tiên tiến...

“Không phải công nghiệp cơ khí chế tạo của chúng ta không phát triển, mà chỉ phát triển ở một số lĩnh vực. Nhìn chung còn yếu kém…”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Nguyên nhân của tình trạng phát triển lệch, theo Bộ trưởng, là do cơ chế chính sách và cơ chế đầu tư. Cụ thể, trước đây, trong cơ chế kinh tế tập trung, những công trình nêu trên đều được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Nhưng hiện nay, ngành công nghiệp về cơ bản không được sử dụng vốn ngân sách. Các công trình công nghiệp đều phải đi vay thương mại, trừ một vài công trình nhỏ có vốn ODA. Cho nên, các công trình cơ khí - vốn đòi hỏi đầu tư lớn, tỷ suất lợi nhuận thấp, thời gian dài - ít được nhà đầu tư quan tâm.

Về công nghiệp phụ trợ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải trình nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kém phát triển, trong đó có nguyên nhân do cơ chế, chính sách chưa đầy đủ.

Để phát triển sản xuất phụ tùng, linh kiện cần có quy mô khá lớn, đủ để sản xuất số lượng lớn, giảm giá thành, nhưng ở Việt Nam, mỗi năm chỉ sản xuất khoảng 70.000 ô tô của hơn 10 nhà lắp ráp. Chưa kể, các tập đoàn đa quốc gia sẵn có mạng lưới xí nghiệp vệ tinh cung cấp linh kiện. Giá thành linh kiện phụ trợ của Việt Nam không cạnh tranh do phải nhập khẩu các loại vật liệu mới như thép chế tạo, chất dẻo. Bên cạnh đó, đội ngũ lao động có trình độ tay nghề lao động cao còn thiếu. 

Cần phát triển DN vừa và nhỏ

Trong phần chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh được Quốc hội đề nghị báo cáo thêm. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, phát triển công nghiệp phụ trợ là vấn đề lớn của đất nước, có vai trò quan trọng và phát triển công nghiệp phụ trợ chính là phát triển DN vừa và nhỏ.

Có công nghiệp phụ trợ mới hấp thu được đầu tư nước ngoài, mới tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp. Nếu không, đầu tư nước ngoài có nhiều thì cũng không có giá trị gia tăng, chỉ có gia công lắp ráp cho nước ngoài.

Chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ mà không đề cập đến DN vừa và nhỏ sẽ là sai lầm. Việt Nam phải có lực lượng DN vừa và nhỏ mạnh, trong đó chủ yếu là DN tư nhân. Nếu DN tư nhân phát triển mạnh mẽ thì không chỉ tạo ra động lực lớn cho đất nước, tạo nhiều công ăn việc làm, mà còn tạo ra chuỗi giá trị gia tăng quan trọng phục vụ những sản phẩm công nghiệp chính và tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.

“Đây là vấn đề chúng tôi rất trăn trở, chúng tôi đề nghị Chính phủ cần có cuộc họp chuyên ngành về phát triển DN tư nhân, DN vừa và nhỏ”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, cần tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhất cho DN. Môi trường đầu tư, kinh doanh đã tốt thì phải làm tốt hơn, để khi có tiền, người dân sẽ nghĩ đến thành lập DN, thay vì gửi tiết kiệm. Đồng thời, có chính sách khuyến khích khởi nghiệp cho các DN và tạo điều kiện thuận lợi để họ tiếp cận vốn tín dụng.

Bên cạnh đó, giúp DN đẩy nhanh chuyển giao công nghệ. Thực tế, nhiều tập đoàn lớn của Đức, Nhật sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho DN vừa và nhỏ Việt Nam, nhưng chúng ta chưa đủ lực lượng để tiếp cận công nghệ này.

“Vấn đề then chốt nhất là khuyến khích, động viên để thành lập được lực lượng DN lớn mạnh, để họ có cơ hội tìm kiếm sản phẩm mới, tìm kiếm trị trường... Nhà nước sẽ hỗ trợ để sản phẩm có giá thành cạnh tranh”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Tin bài liên quan