Bộ trưởng Bộ Thông tin & truyền thông Trương Minh Tuấn

Bộ trưởng Bộ Thông tin & truyền thông Trương Minh Tuấn

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Thách thức lớn nhất là quản lý mạng xã hội

Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định, sẽ hướng đến việc ưu tiên chương trình hành động “Vì một xã hội thông tin lành mạnh”.     

Trò chuyện với Báo Giao thông nhân kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách  mạng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin & truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn khẳng định, sẽ hướng đến việc ưu tiên chương trình hành động “Vì một xã hội thông tin lành mạnh”.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin, thông tin tích cực và thông tin xấu, độc đan xen lẫn nhau. Có những thời điểm thông tin xấu, độc được lan truyền trong cộng đồng có phần làm nhiễu loạn, dẫn đến hiểu sai về những giá trị tích cực, thậm chí gây hoang mang trong xã hội. Thực tế đó đòi hỏi phải xây dựng một xã hội lành mạnh trong thông tin để phát huy những giá trị tích cực, lan tỏa thông tin tích cực, lấn át thông tin xấu, độc.

Chủ động cung cấp thông tin cho báo chí

Thưa Bộ trưởng, vừa qua, sự cố cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung gây nhiều ồn ào trên mạng xã hội, từ đây cũng đặt ra đòi hỏi việc đăng tải và chia sẻ thông tin một cách có trách nhiệm trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đây lại là bài toán không dễ dàng, vậy cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ TT&TT có giải pháp gì để giải bài toán này?

Chúng ta đã có hành lang pháp lý khá đầy đủ để điều chỉnh lĩnh vực này, đó là Nghị định 72 về quản lý internet, Nghị định 174 về xử phạt VPHC trong lĩnh vực CNTT…

"Tình trạng cơ quan chủ quản buông lỏng, thiếu trách nhiệm với cơ quan báo chí chúng tôi đã khuyến cáo nhiều lần và sắp đến yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc. Cơ quan chủ quản phải đồng hành với cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, chấn chỉnh tình trạng hoạt động sai tôn chỉ mục đích. Chúng tôi đã rà soát và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm".

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn

Các biện pháp về hành chính, kỹ thuật không phải là duy nhất, bởi trên thực tế, ở môi trường ảo, mọi thông tin xấu, độc có thể được lan truyền với tốc độ khủng khiếp mà thủ phạm thì khó truy tìm. Do vậy, cùng với các biện pháp quyết liệt về hành chính cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người tham gia truyền thông mạng trong việc chia sẻ thông tin có trách nhiệm. Điều này đòi hỏi cùng với việc ứng dụng CNTT thì phải đẩy mạnh tuyên truyền cho người dùng, tuyên truyền, giáo dục từ trong gia đình, nhà trường, nơi làm việc, tạo thành phong trào trong toàn xã hội. Chúng ta phải chủ động hơn nữa trong cung cấp thông tin cho báo chí và nhân dân, nâng cao chất lượng văn hóa, giải trí, nhất là tính định hướng của báo chí; Chủ động, tích cực phê phán, phản bác thông tin xấu trên mạng. Làm tốt các việc này thì chúng ta mới khắc phục được những mặt trái của mạng xã hội.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng nếu “đụng” tới mạng xã hội là đụng đến một vấn đề khá nhạy cảm là tự do ngôn luận. Vậy những biện pháp quản lý nêu trên có ảnh hưởng đến tự do thông tin, tự do ngôn luận không, thưa Bộ trưởng?

Tự do ngôn luận là quyền của mỗi công dân đã được quy định trong Hiến pháp 2013. Mỗi người dân khi thực hiện quyền này không được làm ảnh hưởng, xâm hại tới quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Báo chí hay mạng xã hội đều là phương tiện thông tin, nhưng mạng xã hội thì thông tin vô cùng phong phú và sức lan tỏa hết sức nhanh. Những gì mà báo chí không đăng thì có thể được đưa lên diễn đàn trên mạng xã hội, thật giả, đúng sai lẫn lộn. Việc quản lý thông tin trên mạng xã hội không phải là hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân, mà nhờ có quản lý, với các biện pháp xử lý nghiêm khắc thì sẽ hạn chế những hành vi chia sẻ, lan truyền thông tin thiếu trách nhiệm với cộng đồng.

Khi còn làm Thứ trưởng, Bộ trưởng từng nói: “Rõ ràng chúng ta có thể nhìn thấy gần đây, ở một số tờ báo, nhất là báo mạng đã làm méo mó bức tranh xã hội, do khai thác và thông tin quá nhiều mặt trái xã hội, nên bạn đọc cảm thấy dường như bức tranh xã hội trở nên tăm tối và đây chính là vấn đề của báo chí trong thời điểm hiện nay”. Tuy nhiên, có thể thấy, tình trạng này đến nay vẫn chưa giảm, thậm chí gia tăng. Bộ trưởng có suy nghĩ thế nào?

Sở dĩ tình trạng nói trên gia tăng theo cảm nhận chung xuất phát từ nguyên nhân là các báo điện tử đang chạy theo mạng xã hội. Bộ TT&TT liên tục điều chỉnh những hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan báo chí nhưng tình trạng này vẫn gia tăng. Đây là vấn đề nan giải đòi hỏi cả cộng đồng phải nâng cao nhận thức, cơ quan chủ quản phải nâng cao trách nhiệm và cơ quan báo chí phải chấp hành tốt việc tuân thủ pháp luật xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Thách thức lớn nhất là quản lý mạng xã hội  ảnh 1

Quản lý thông tin trên mạng xã hội sẽ hạn chế hành vi chia sẻ, lan truyền thông tin thiếu trách nhiệm với cộng đồng 

 

Quy hoạch báo chí để tránh lãng phí nguồn lực

Nước ta đang tồn tại một thực tế là có quá nhiều đầu báo, nhiều cơ quan báo chí nhưng lượng phát hành lại ít? Sẽ hay hơn nếu thực tế diễn tiến theo chiều ngược lại, thưa Bộ trưởng?

Khủng hoảng báo giấy là thực trạng chung của báo chí cả thế giới hiện nay vì xu hướng người đọc thay đổi theo sự phát triển của công nghệ. Đề án quy hoạch báo chí sẽ điều chỉnh hợp lý những đầu báo không hiệu quả, lãng phí nguồn lực.

Báo chí hiện nay đang gặp khó khăn với mạng xã hội và cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cũng gặp khó khăn tương tự. Đây là thách thức lớn trong nhiệm kỳ của tôi. Xây dựng chiến lược phát triển báo chí Việt Nam trong hoàn cảnh xu hướng thông tin ngày càng thay đổi là trách nhiệm và tâm huyết của tôi trong nhiệm kỳ này. Chúng tôi sẽ sớm tìm ra lời giải đáp cho bài toán khó này.

Ngay từ khi còn giữ chức Thứ trưởng Bộ TT&TT, Bộ trưởng được biết đến là một người rất quyết đoán trong việc đưa ra những biện pháp cứng rắn, làm trong sạch môi trường báo chí, chấn chỉnh hoạt động của mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp... Vậy trên cương vị mới, tới đây, Bộ trưởng xem đâu là những mục tiêu chính trong chương trình hành động của ông?

Tôi là người lính đã tham gia chiến trường. Phẩm chất người lính luôn trong tôi, dù ở cương vị nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Khi nhận nhiệm vụ mới, tôi đã xây dựng chương trình hành động của mình, trên cơ sở phát huy những việc đã làm được, hoạch định những việc cụ thể trong nhiệm kỳ phải thực hiện cho được. Dù ở lĩnh vực nào, báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở, hay lĩnh vực tần số vô tuyến điện, viễn thông, CNTT, bưu chính… thì nhiệm vụ quản lý là giúp cho lĩnh vực đó phát triển, mà phải lành mạnh và vì lợi ích của người dân. Vì một xã hội thông tin lành mạnh sẽ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chương trình hành động trong nhiệm kỳ Bộ trưởng của tôi. CNTT của chúng ta phải hội nhập hơn nữa, phải vươn mình ra thế giới, là động lực thúc đẩy các ngành kinh tế, văn hóa đổi mới, phát triển, góp phần quan trọng trong sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Nhân kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin chúc sức khỏe các nhà báo lão thành; Chúc báo chí của chúng ta ngày càng phát triển, đóng góp tích cực trong sự phát triển, đổi mới của đất nước trong thời kỳ hội nhập sâu rộng với thế giới. Chúc các nhà báo luôn giữ vững bản lĩnh cầm bút, xứng đáng với truyền thống của Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tin bài liên quan