Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an
Lo ngại vi phạm bảo mật thông tin
Chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, sáng 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước.
Đa số các ý kiến thống nhất với việc đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước, đi liền với thẻ căn cước và cho rằng: Việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với bản chất và mục tiêu quản lý căn cước của Nhà nước ta.
Tên mới Luật Căn cước cũng phù hợp với phương thức quản lý trong thời kỳ cách mạng 4.0, xây dựng Chính phủ số, xã hội số. Việc sử dụng tên gọi thẻ căn cước như dự thảo Luật là phù hợp, sẽ bao hàm được đầy đủ thông tin về căn cước của công dân.
Đa số các ý kiến thảo luận bày tỏ nhất trí cao với phiên bản mới nhất của dự thảo Luật (gồm 7 Chương, 46 Điều). Một số ý kiến chưa thống nhất chủ yếu xuất phát từ lo ngại lộ thông tin công dân.
Đơn cử, theo dự thảo Luật, có 7 trường thông tin bắt buộc người dân phải cung cấp gồm: ảnh khuôn mặt; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch, nơi cư trú. Điều này các đại biểu đánh giá là cần thiết.
Tuy nhiên, với một số thông tin được mã hoá, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước gồm thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của công dân... thì còn ý kiến khác nhau.
Đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) đề nghị cân nhắc bỏ quy định bắt buộc phải thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt, mà nên xếp vào nhóm thông tin người dân tự nguyện cung cấp, tương tự như đối với ADN và giọng nói.
Đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) |
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh) khi phát biểu tranh luận lại cho rằng, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là phù hợp…
Bởi vì trong thực tế hiện nay, do nhu cầu làm đẹp, nhiều người thực hiện chỉnh sửa khuôn mặt, do đó việc nhận diện khuôn mặt rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, mống mắt lại là đặc điểm gần nhận dạng cố định.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị việc truy xuất thông tin được thực hiện theo quy trình kiểm soát an ninh mạng chặt chẽ, bảo đảm tính bảo mật và an toàn thông tin.
Đại biểu Phúc cũng bày tỏ đồng tình với quy định sử dụng thẻ căn cước gắn chip được tích hợp thông tin nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho cả người dân lẫn cơ quan quản lý trong giao dịch, nhưng nhấn mạnh, trong điều kiện đảm bảo và bảo mật an toàn thông tin cho đối tượng có thẻ.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) |
Liên quan đến việc sử dụng thẻ gắn chip song song với sử dụng mã QR, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị cân nhắc theo hướng chỉ sử dụng chip điện tử trên thẻ căn cước là đảm bảo các điều kiện sử dụng, khai thác thông tin khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự mà không nên tích hợp mã QR cùng chip điện tử trên thẻ căn cước.
Nhất trí với ý kiến của đại biểu Huỳnh Thị Phúc về mã QR và chíp điện tử, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) đề nghị Bộ Công an và Ban soạn thảo quan tâm tới vấn đề này. Đại biểu cho rằng, đây là vấn đề về bảo mật thông tin cá nhân.
Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, mã QR rất dễ bị lộ thông tin cá nhân, do đó đại biểu đề nghị không nên để mã QR trên thẻ căn cước.
Cùng băn khoăn về an toàn bảo mật thông tin cá nhân, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho biết, nhiều công dân phản ánh lo ngại căn cước gắn chíp, căn cước điện tử liệu cho bị theo dõi hay không. Để công dân an tâm, đại biểu đề nghị Bộ Công an giải thích làm rõ, thông tin tuyên truyền về vấn đề này.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) |
Bộ Công an: Sẽ có trách nhiệm đảm bảo an toàn, an ninh cho công dân
Sau phần thảo luận Hội trường, phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, ngay sau Kỳ họp thứ 5, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp với cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; tiếp thu, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Đến nay, dự thảo luật đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Đại tướng Tô Lâm nêu rõ, Đại hội 13 của Đảng đã đề ra đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan Nhà nước một cách tập trung, thông suốt.
Thiết kế đồng bộ, xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, nhất là dữ liệu về dân cư, y tế, giáo dục, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở... phục vụ kịp thời và hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của đời sống nhân dân. Bảo đảm 100% dân số được đăng ký và quản lý.
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước |
Theo Bộ trưởng, việc xây dựng dự án Luật Căn cước có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết. Dự án luật không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa giấy tờ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn ý nghĩa trong việc phát huy giá trị Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước... trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng khẳng định, việc sử dụng thẻ căn cước điện tử có gắn chip hoặc QR code thì không theo dõi và không thể theo dõi được.
"Bộ Công an và bất cứ cơ quan nào không được và không thể theo dõi tình hình di chuyển của công dân", Bộ trưởng nói.
Đồng thời, Bộ Công an khẳng định sẽ có trách nhiệm đảm bảo an toàn, an ninh cho con người, cho công dân, cho những người sử dụng thẻ căn cước, không để xảy ra tình trạng theo dõi hoặc để công dân bị theo dõi bởi bất kể một tổ chức, cá nhân nào.
Cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu giải trình các vấn đề đại biểu nêu, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua.