Bộ trưởng tiếp tục ra tay
Ngay sau khi ký Quyết định lịch sử số 3610a/QĐ-BCT bàn hành phương án cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh ngành Công thương, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có động thái liền tay là ký Quyết định số 3696 thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc Bộ Công thương.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là Trưởng ban soạn thảo. Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) Nguyễn Sinh Nhật Tân được giao làm Tổ trưởng Tổ biên tập.
Điểm được quan tâm, đó là công việc của Ban soạn thảo sẽ không chỉ giới hạn trong phần trách nhiệm của Bộ Công thương.
“Ban soạn thảo, Tổ biên tập có trách nhiệm rà soát nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh đã được đề xuất bãi bỏ tại Quyết định 3610a/QĐ-BCT liên quan đến quy định của các Luật, Nghị định của Chính phủ nhằm mục tiêu đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật này theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015”, Quyết định số 3696 ghi rõ.
Như vậy, với quyết định này, bên cạnh việc thực hiện rà soát các văn bản thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương liên quan đến 27 ngành nghề kinh doanh, công việc mà Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh muốn làm sẽ rộng hơn, tới các văn bản có liên quan đến các ngành, lĩnh vực trên. Mong muốn của người đứng đầu ngành công thương rất rõ, là sẽ tiếp tục lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
Kinh doanh có thực dễ thở
Công ty TNHH Gas Đắk Lắk và các doanh nghiệp kinh doanh gas quy mô nhỏ đang mừng thầm.
Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí hóa lỏng mà Bộ Công thương dự kiến sẽ trình Chính phủ trong vài ngày tới, nhiều điều kiện kinh doanh đã bị gạch bỏ.
Các doanh nghiệp này từng tụ họp nhau, cất công ra tận Hà Nội, tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tới Bộ Công thương… kêu khổ khi Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí bắt buộc doanh nghiệp phải có kho chứa 300 m3, có tối thiểu từ 100.000 vỏ bình gas, có số lượng chai LPG các loại (không tính chai LPG mini) đủ điều kiện lưu thông trên thị trường với dung tích chứa tối thiểu 2.620.000 lít… Với nội dung đang có trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 19/2016/NĐ-CP cũng như trong Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 3610a/QĐ-BCT, các điều kiện trên đã không còn.
Nhưng có thể, chưa phải tất cả doanh nghiệp trong 26 ngành kinh doanh có điều kiện còn lại thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương đều an tâm.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, bên cạnh khá nhiều điều kiện mang tính hướng dẫn chung được đề nghị bãi bỏ, như yêu cầu vệ sinh cơ sở sản xuất hàng ngày…, thì còn nhiều điều kiện kinh doanh được tính là bãi bỏ, nhưng thực chất là gộp nhiều vào thành 1 điều kiện.
“Có khá nhiều điều kiện được xử lý theo kiểu tinh gọn văn bản nhiều hơn là cắt bỏ, như là dẫn chiếu các văn bản liên quan. Có nghĩa là điều kiện kinh doanh vẫn đang nằm ở văn bản liên quan đó”, bà Thảo nhận định khi nghiên cứu Phụ lục kèm theo Quyết định 3610a/QĐ-BCT.
Có nghĩa là các doanh nghiệp sẽ khó nhìn thấy sự thay đổi để thực thi lại những điều kiện kinh doanh được bổ sung cũng theo cách dẫn chiếu văn bản.
“Tôi mong muốn sự thay đổi ngay trong quy định. Các doanh nghiệp cần nhìn thấy rõ họ phải tuân thủ các điều kiện kinh doanh gì, được bãi bỏ cái gì một cách cụ thể. Câu hỏi này vẫn đang chờ Ban soạn thảo và Tổ biên tập làm việc chi tiết hơn”, bà Thảo chia sẻ quan điểm.
Đặc biệt, bà Thảo nhắc lại quan điểm của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về công việc này, đó là việc loại bỏ được bao nhiêu điều kiện không quá quan trọng mà cơ bản nhất là phải làm rõ những điều kiện gây khó khăn công tác huy động nguồn lực xã hội.
“Các doanh nghiệp chờ đợi quyết định bãi bỏ điều kiện kinh doanh thực chất”, bà Thảo nhấn mạnh.