Bộ trưởng Đinh La Thăng
Tại lễ thông xe Dự án Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ GTVT đẩy nhanh việc xây dựng các tuyến đường cao tốc để đến năm 2020 có thể hoàn thành được 2.500 km đường cao tốc mà trọng tâm là trục cao tốc Bắc - Nam. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về nhiệm vụ mới này?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại lễ thông xe đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tập trung đầu tư xây dựng 3 tuyến trục Bắc - Nam quan trọng.
Trong đó, Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2015, các đoạn còn lại của tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến đất mũi Cà Mau với quy mô đường 2 làn xe theo nghị quyết của Quốc hội, hệ thống đường bộ cao tốc phấn đấu hết năm 2015 đưa vào khai thác 679 km, đến năm 2020 hoàn thành khoảng 2.500 km theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Tôi cho rằng, một đất nước phát triển phải có hệ thống đường cao tốc đồng bộ. Tuy nhiên, để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc, không thể trông chờ vào nguồn vốn ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ, mà phải huy động những nguồn lực xã hội hóa bằng các hình thức, phương thức khác nhau. Huy động nguồn vốn xã hội cho đầu tư gần 2.500 km đường cao tốc trong 5 năm tới sẽ là bước đột phá lớn tiếp theo của ngành GTVT.
Bộ GTVT sẽ tập trung vào những biện pháp gì để đạt được mục tiêu này?
Bộ GTVT tiếp tục tập trung vào các giải pháp chủ yếu, trong đó, việc tiên quyết là đổi mới thể chế, chính sách và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, như tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
Bộ cũng chú trọng nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch. Ngoài rà soát điều chỉnh, bổ sung các chiến lược, quy hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng, lãnh thổ, Bộ cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chiến lược, quy hoạch đảm bảo tính công khai minh bạch và nâng cao tính khả thi của quy hoạch...
Đến năm 2020 sẽ hoàn thành khoảng 2.500 km theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ |
Bộ GTVT cũng thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ để bố trí vốn tập trung, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư; nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn vốn ODA. Ngành GTVT đặc biệt khuyến khích thu hút đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), lựa chọn các dự án đường cao tốc ưu tiên để thực hiện nhằm tạo bước đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong thiết kế, xây dựng, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành công trình; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Để có thêm nguồn vốn đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, nhiều ý kiến đề nghị chủ động tìm kiếm các hình thức đầu tư mới, hợp tác công tư, bán đường cao tốc..., mà không trông chờ vào ngân sách nhà nước. Quan điểm của Bộ trưởng về những đề xuất này thế nào?
Để đáp ứng nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, nhu cầu vốn cho các dự án do Bộ GTVT trực tiếp quản lý khoảng 1,015 triệu tỷ đồng.
Trước thực trạng các nguồn vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ hạn hẹp và nguồn vốn ODA đang thu hẹp dần khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, Bộ GTVT xác định phải đa dạng hóa hình thức đầu tư, kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Từ năm 2011 đến nay, Bộ GTVT đã kêu gọi được 178.165 tỷ đồng, trong đó, tính riêng từ năm 2013 đến nay kêu gọi được 137.165 tỷ đồng cho 44 dự án phát triển hạ tầng giao thông, cao gấp 3 lần nguồn vốn ngân sách nhà nước mà ngành huy động từ năm 2012 trở về trước.
Quan điểm của Bộ GTVT là xây dựng phát triển đường cao tốc phải theo hướng không làm ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít đến nợ công. Các dự án phải đem lại hiệu quả, trong quá trình thiết kế phải khảo sát kỹ càng, hướng tuyến cần lựa chọn hợp lý, khoa học, tránh các khu dân cư và những vùng đất yếu.
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng đề án nhượng quyền khai thác các dự án đã đầu tư để tạo nguồn vốn tái đầu tư. Cụ thể, Bộ đã giao các đơn vị liên quan xây dựng đề án chuyển nhượng 5 dự án cao tốc của VEC (Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành và Đà Nẵng - Quảng Ngãi). Dự kiến, trong quý II/2015, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Tôi cho rằng, để thực hiện thành công nghị quyết của Đảng, chắc chắn phải có các giải pháp đột phá và đây là một trong những giải pháp đó.