Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường: Cần một ủy ban điều phối để cải tạo các dòng sông ô nhiễm

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường: Cần một ủy ban điều phối để cải tạo các dòng sông ô nhiễm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề ô nhiễm sông hồ, xử lý chất thải..., yêu cầu Bộ trưởng có giải pháp căn cơ để xử lý.

Cần hợp tác công - tư trong xử lý chất thải

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Đặng Quốc Khánh sáng 4/6, đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) cho rằng việc quản lý các nguồn phát thải, xả thải là giải pháp quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là việc quản lý ô nhiễm nguồn nước.

Nhận định vấn đề này hiện còn nhiều bất cập, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp căn cơ trong thời gian tới để quản lý tốt các nguồn phát thải, xả thải từ các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và nước thải sinh hoạt.

ĐBQH Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang)

ĐBQH Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang)

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, đúng như thực trạng đại biểu phản ánh, vấn đề xử lý nước thải còn hạn chế, đặc biệt là nước thải sinh hoạt đô thị, nông thôn, nước thải cụm công nghiệp làng nghề.

Để xử lý vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng, cần có những giải pháp tổng thế về nguồn lực, lộ trình thời gian, đầu tư hạ tầng, và sự quan tâm của các địa phương, bộ, ngành…

Riêng về thể chế chính sách, ông Khánh đề nghị cần có sự hợp tác công - tư để đảm bảo nguồn xã hội hóa; ban hành đơn giá dịch vụ hợp lý để các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà máy xử lý nước thải; tăng cường công tác quan trắc giám sát…

Bộ trưởng cũng cho biết, vừa qua Bộ TNMT đã khánh thành Trung tâm tổng hợp xử lý dữ liệu và quan trắc, kết nối với tất cả các địa phương và các vùng/nguồn xả thải lớn; từng bước cập nhập và kiểm tra xử lý vấn đề này. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường, đặc biệt các trường hợp cố tình xả chất thải không đạt yêu cầu ra môi trường.

Cần một ủy ban điều phối để cải tạo các dòng sông ô nhiễm

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng Bộ TNMT cho biết giải pháp và kế hoạch của Bộ trong việc hồi sinh các "dòng sông chết" do ô nhiễm trầm trọng trong thời gian tới, trong đó có hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh giải thích: "Sông chết nghĩa là vừa ô nhiễm vừa không có dòng chảy. Các sông nói trên ô nhiễm nặng chứ không phải dòng sông chết".

Thừa nhận một số sông đang bị ô nhiễm nặng hiện nay như sông Đáy, sông Cầu, tư lệnh ngành TNMT nói rằng dù Bộ và các địa phương tích cực cải tạo nhưng vẫn "chưa cải tạo được bao nhiêu".

Nguyên nhân, theo ông Khánh là do nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn xả thải ra các dòng sông này nhưng chúng ta chưa đủ nguồn lực để đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải.

Hà Nội đã quy hoạch một số nhà máy xử lý nước thải ở Gia Lâm và Long Biên, ông Khánh đề nghị Hà Nội làm sớm các hoạt động này. Bên cạnh đó, các địa phương cần chung tay thu gom, xử lý nước thải và tạo dòng chảy cho các dòng sông để khơi thông, điều hòa dòng chảy.

Về dài hạn, ông Khánh cho rằng, cần một Ủy ban điều phối nhiệm vụ cải tạo các dòng sông ô nhiễm, điều này cần đặc biệt quan tâm trong giai đoạn 2026-2030 tương ứng với nguồn lực đủ lớn.

Sau phần chất vấn nói trên, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) chưa hài lòng với phần trả lời của tư lệnh ngành TNMT nên đã giơ biển xin tranh luận thêm với Bộ trưởng.

"Theo trả lời của Bộ trưởng, các dòng sông bị ô nhiễm như vậy là do xả thải đi qua nhiều tỉnh và mức độ xả thải lớn. Chính vì đi qua nhiều tỉnh nên Điều 8 của Luật Bảo vệ Môi trường 2023 mới giao cho Bộ TNMT chủ trì trong vấn đề đánh giá nguồn xả thải để xử lý môi trường", ông Toàn nói và đặt câu hỏi trách nhiệm của Bộ trong việc tổ chức thực hiện Luật như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu)

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu)

Về trả lời của Bộ trưởng để xử lý các dòng sông ô nhiễm, cần thời gian và nguồn lực, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn đề nghị Bộ trưởng làm rõ cần thời gian bao lâu và việc xây dựng, triển khai đề án về nguồn lực để xử lý tổng thể tình trạng ô nhiễm các dòng sông hiện nay.

Thêm một vấn đề về nguồn lực, ông Toàn cho rằng đòi hỏi nguồn lực từ Trung ương, địa phương, đại biểu hỏi Bộ trưởng đã cho xây dựng triển khai dự án hay chưa? Phương hướng xử lý ô nhiễm tổng thể như thế nào? Bởi vấn đề này liên quan đến sức khỏe và đời sống của hàng chục triệu dân ở các vùng lưu vực sông.

Trả lời phần tranh luận của đại biểu Toàn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, vừa qua Bộ TNMT và Bộ Công an đã phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử phạt nhiều vi phạm, nhưng các dòng sông vẫn ô nhiễm nặng nề do nước thải sinh hoạt và nước thải từ cụm công nghiệp, làng nghề.

Bộ TNMT đã cùng các địa phương tăng cường quan trắc, giám sát, kiểm tra đột xuất để xử lý nghiêm vi phạm. Đại biểu phản ánh tình trạng “càng ngày càng ô nhiễm”, Bộ trưởng giải thích do phát triển kinh tế - xã hội nên nhu cầu dùng nước sẽ ngày càng tăng.

Càng phát triển thì những dòng sông như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu, sông Bắc Hưng Hải… cũng đang bị tác động bởi tiến trình đô thị hóa, nước thải sinh hoạt nhiều hơn. Giải pháp là cần tạo được dòng chảy, khơi thông hệ thống.

“Việc này cần giải pháp vừa tổng thể vừa căn cơ, bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ các dòng sông ô nhiễm nặng”, ông Khánh cho biết và thông tin thêm, Bộ TNMT đang xây dựng đề án đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho nghiên cứu thí điểm tổng thể hai dòng sông là sông Bắc Hưng Hải và sông Nhuệ - Đáy, có lộ trình phối hợp với các địa phương để xử lý môi trường.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ đã thực hiện hoạt động giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật đối với công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt trên địa bàn TP. Cần Thơ. Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ đã đề nghị Bộ TNMT thống nhất với các Bộ, ngành có liên quan sớm ban hành thông tư hướng dẫn hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải và chất thải. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào thông tư này được ban hành?

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ)

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ)

Trả lời, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, cả nước bình quân chỉ có 17% nước thải sinh hoạt được xử lý, tỷ lệ rất thấp. Hoạt động hợp tác công - tư, xã hội hóa đầu tư các nhà máy xử lý nước thải đô thị rất quan trọng, đầu tư công quan tâm đến công tác thu gom, còn xử lý cần được xã hội hóa, bởi việc xử lý nước thải phải gắn với vận hành; nếu làm được việc này sẽ tăng được tỷ lệ xử lý nước thải.

Bộ trưởng TN&MT cho biết, sẽ cố gắng cuối năm nay ban hành được thông tư mà đại biểu nêu để đảm bảo tăng cường việc xử lý nước thải đô thị.

Thiếu nguồn lực để xử lý rác thải nhựa

Cũng quan tâm vấn đề rác thải, đại biểu Lê Quân (đoàn Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng TNMT thể hiện quan điểm trong xử lý rác thải nhựa, đồng thời làm rõ thời điểm có thể quy định cấm hoặc hạn chế, đánh thuế phí cao đối với việc sử dụng rác thải nhựa, đặc biệt là trong sinh hoạt, tiêu dùng...

Đại biểu Lê Quân (đoàn Hà Nội)

Đại biểu Lê Quân (đoàn Hà Nội)

Bên cạnh đó, đại biểu băn khoăn có nên có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp và người dân, nhà khoa học đầu tư sản phẩm thay thế để hạn chế sử dụng rác thải nhựa hay không?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ cùng với các địa phương đã thực hiện xử lý rác thải nhựa phân loại. Tuy nhiên, vẫn còn có những khó khăn trong phân loại rác; các địa phương đang lo lắng về việc thu gom xử lý trong khi thiếu các nhà máy xử lý về vấn đề này. Liên quan đến vấn đề polymer nhựa, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu để có những chỉ đạo phù hợp, kịp thời.

Tin bài liên quan