Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói với báo giới tại sự kiện quy tụ các bộ trưởng tài chính của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới diễn ra trong 2 ngày 21, 22-7 ở Buenos Aires - Argentina là ông sẽ nhắc lại đề xuất của Tổng thống Donald Trump đã đưa ra tại G7 rằng các nước đồng minh cần dỡ bỏ thuế quan với nhau.
"Nếu châu Âu tin vào thương mại tự do, chúng tôi sẵn sàng ký một thỏa thuận thương mại tự do"- ông Mnuchin nói, đồng thời cho biết một thỏa thuận như vậy cần phải đảm bảo xóa bỏ thuế quan, các rào cản phi thuế quan và bảo hộ. "Phải có cả 3 vấn đề đó"- người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ không cân nhắc đàm phán thương mại với Mỹ nếu ông Trump không rút các thuế nhôm và thép cũng như xóa bỏ đe dọa đánh thuế ô tô trước.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire (trái) và Giám đốc Điều hành IMF Christine Lagarde tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 ở Argentina. Ảnh: Reuters.
"Chúng tôi từ chối đàm phán khi súng đang chĩa thẳng vào đầu mình"- ông Le Maire nói với báo giới bên lề hội nghị G20 hôm 21-7.
Theo BBC, người đứng đầu Bộ Tài chính Pháp cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại nay đã thành hiện thực, đồng thời thẳng thừng nêu rõ chính sách thương mại hiện tại của Mỹ áp dụng thuế quan đơn phương dựa trên "luật rừng".
"Thương mại thế giới không thể dựa trên luật rừng và việc đơn phương tăng thuế là luật rừng"- ông Le Maire nói - "Luật rừng không thể là tương lai của quan hệ thương mại toàn cầu…Luật rừng sẽ làm suy yếu tăng trưởng và có thể dẫn đến hệ lụy chính trị to lớn".
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo làn sóng thuế quan thương mại gần đây sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng toàn cầu.
Giám đốc Điều hành IMF Christine Lagarde cho biết bà sẽ cung cấp cho các bộ trưởng tài chính khối G20 và các thống đốc ngân hàng trung ương ở Buenos Aires một bản báo cáo chi tiết về các tác động của những hạn chế vốn đã được công bố đối với thương mại toàn cầu.
Giám đốc Điều hành IMF Christine Lagarde trả lời họp báo cùng Bộ trưởng Tài chính Argentina Nicolas Dujovne. Ảnh: Rueters.
"Nó chắc chắn cho thấy tác động có thể gây ra đối với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mà trong trường hợp xấu nhất theo các biện pháp hiện thời ... là nằm trong khoảng 0,5% GDP trên bình diện toàn cầu"- bà Lagarde phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Tài chính Argentina Nicolas Dujovne hôm 21-7.