TP. HCM có gần 60% trong tổng số 3.500 doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm.

TP. HCM có gần 60% trong tổng số 3.500 doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm.

Bộ trưởng Tài chính nói gì về pháp lý chống chuyển giá?

(ĐTCK) Trong bối cảnh hoạt động chuyển giá nhằm trốn thuế diễn biến ngày một tinh vi, phức tạp, các đại biểu Quốc hội tỏ ý quan ngại khi dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi chưa đưa ra những giải pháp căn cơ, có tính khả thi để giải quyết hiệu quả vấn nạn này.

Pháp lý còn “hở”

Hoạt động chuyển giá tại Việt Nam, dưới góc nhìn của các đại biểu Quốc hội đang diễn biến tinh vi, phức tạp khi không chỉ doanh nghiệp nước ngoài, mà còn có sự xuất hiện của cả doanh nghiệp trong nước, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Nguyên nhân quan trọng của tình trạng này được nhìn nhận là do quy định pháp lý còn “hở”. Dù vậy, dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi đang trình Quốc hội cho ý kiến vẫn chưa có những quy định khắc phục được tình trạng này.

Theo Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn), hiện hoạt động chuyển giá không chỉ diễn ra ở doanh nghiệp nước ngoài, mà còn xuất hiện nhiều ở doanh nghiệp trong nước. Thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó không ít doanh nghiệp thua lỗ trong nhiều năm liên tiếp.

Chẳng hạn, TP.HCM có gần 60% trong tổng số 3.500 doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm; tỉnh Lâm Đồng có 104/111 doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ liên tục; tỉnh Bình Dương có 50% doanh nghiệp FDI báo lỗ từ năm 2006 đến năm 2011...

Các báo cáo của cơ quan thuế cho thấy, những doanh nghiệp FDI khai kinh doanh thua lỗ thường tập trung trong các lĩnh vực như gia công may mặc; da giày; sản xuất, kinh doanh chè xuất khẩu; công nghiệp chế biến.

Theo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Quản lý thuế, trong các năm 2015, 2016, cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra được 965 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, đã thực hiện truy thu, truy hoàn và phạt hơn 6.295 tỷ đồng, giảm lỗ được 7.491 tỷ đồng, giảm khấu trừ được 286 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế trên 4.743 tỷ đồng.

“Kết quả trên chỉ phản ánh một góc của bức tranh về tình trạng trốn thuế của doanh nghiệp. Tôi cho rằng, có tình trạng này là do hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện vẫn thiếu đồng bộ và còn nhiều lỗ hổng...

Mặc dù thua lỗ triền miên, song nhiều doanh nghiệp FDI vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Có thể kể ra những biểu hiện đáng ngờ về chuyển giá tại Cocacola Việt Nam, Pepsico Việt Nam, Công ty TNHH MTV KeangNam - Vina”, bà Ngân nói.

Trong bối cảnh hoạt động chuyển giá diễn biến phức tạp, các đại biểu Quốc hội trông đợi dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi trình tại kỳ họp Quốc hội này sẽ đưa ra những giải pháp đột phá, có tính khả thi, từ đó đấu tranh có hiệu quả với hành vi gian lận thuế này, nhưng thực tế lại chưa đáp ứng được kỳ vọng.

“Dự thảo luật đã luật hóa một số quy định của các văn bản quy phạm pháp luật mà trong thời gian qua áp dụng có hiệu quả đối với các hoạt động quản lý thuế như xây dựng cơ sở dữ liệu, triển khai các dịch vụ thuế điện tử... Tuy nhiên, các cơ sở pháp lý hiện hành và các điều khoản quy định tại dự luật chưa đủ cơ sở để ngăn ngừa tình trạng chuyển giá, trốn thuế...”, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) lo ngại.

Cùng góc nhìn trên, Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) thẳng thắn: “Lần sửa đổi luật này kỳ vọng sẽ nhận diện rõ và bổ sung các giải pháp hiệu quả hơn để chống chuyển giá, nhưng tôi còn băn khoăn về tính khả thi của một số giải pháp...”.

Từ thực trạng trên, Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị, các quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết cần được kết cấu thành một chương trong luật, không nên giao Chính phủ quy định như tại dự thảo… 

Bộ trưởng Tài chính nói gì?

Giải đáp mối quan ngại trên của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, thực chất là có vấn đề về chuyển giá, kể cả doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

"Chuyển giá có rất nhiều hình thức khác nhau. Hiện tại, cơ quan thuế đã kiểm soát được khâu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với khâu đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, hàng năm doanh nghiệp FDI nói đầu tư bằng này, bằng kia vốn vào Việt Nam, nhưng ai xác thực giá trị thực tế họ đầu tư vào là bao nhiêu, hay họ khai thế nào mình biết như thế và người ta sẽ khấu hao như thế. Đấy chính là chuyển giá trong khâu đầu tư...", ông Dũng nói.

Để chống chuyển giá hiệu quả, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, còn rất nhiều vấn đề và nhiều công đoạn phải làm, phải phối hợp cho tốt. Ban soạn thảo sẽ lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội, trên cơ sở đó nghiên cứu, tiếp thu hợp lý, xác đáng, để Luật có chất lượng tốt nhất, triển khai với hiệu quả cao nhất…

Tin bài liên quan