Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình sau phiên thảo luận hội trường chiều 24/6 về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình sau phiên thảo luận hội trường chiều 24/6 về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Bộ trưởng Tài chính: Hết năm 2024 nên kết thúc chính sách tài khoá mở rộng để chuyển sang tài khoá thắt chặt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lý giải cho đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng trong dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) đang trình Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, hết năm nay nên kết thúc chính sách tài khoá mở rộng để chuyển sang tài khoá thắt chặt nhằm nâng cao sức mạnh tài chính công, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Chiều 24/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - VAT (sửa đổi). Một số nội dung được các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến nhiều nhất là việc chuyển phân bón từ mặt hàng đang chịu thuế suất VAT 0% sang 5%; bỏ quy định miễn thuế với các mặt hàng nhập khẩu giá trị nhỏ để tránh hàng rẻ tràn vào Việt Nam cạnh tranh không bình đẳng với hàng chính ngạch; không nên mở rộng đối tượng thu thuế VAT trong bối cảnh đang áp dụng chính sách tài khoá mở rộng để hỗ trợ phục hồi...

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng thừa nhận, thuế VAT có phạm vi điều tiết rất rộng và đánh vào hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ, cho nên Luật Thuế giá trị gia tăng là một luật khó vì đụng chạm đến lợi ích của nhiều nhà sản xuất, kinh doanh.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, đơn vị này đã nghiên cứu hết sức chặt chẽ, đánh giá tác động của từng vấn đề liên quan đến chính sách thuế VAT và bao quát được các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo chiến lược đến năm 2030, chúng ta phải huy động được vào ngân sách 16 - 17% GDP, trong đó thuế và phí là 14 - 15% GDP và tỷ lệ thu nội địa quy định phải đạt được 86% - 87%.

"Ý kiến của các đại biểu, chúng tôi xin tiếp thu để đánh giá lại tác động của từng gói chính sách và những vấn đề đang còn tranh luận để đến kỳ họp sau sẽ thống nhất ban hành", ông Phớc nói.

Đồng thời, Tư lệnh ngành Tài chính cũng giải trình một số vấn đề có nhiều ý kiến đại biểu nêu như sau:

Về vấn đề giao cho Chính phủ quy định hàng hóa dịch vụ hộ gia đình, cá nhân không chịu thuế VAT: Hiện nay Luật Thuế VAT 2013 quy định hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ một trăm triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế VAT.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính cho rằng, thời giá ngày một trượt giá, cho nên để cân đối với vấn đề tăng chỉ số CPI cũng như tăng lương và các giá cả khác thì dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi) đề xuất giao Chính phủ ban hành nghị định quy định mức chịu thuế của đối tượng này (Điều 5 và Điều 25 Dự thảo Luật) là phù hợp và linh hoạt. Ví dụ năm nay 100 triệu phải nộp thuế, năm sau có thể là 150 triệu, năm sau nữa là 200 triệu đồng...

Về vấn đề cổ vật, Bộ trưởng Tài chính nêu quan điểm, cổ vật nhà nước nhập khẩu (tại điểm e khoản 16 Điều 5 dự thảo Luật) thì không chịu thuế nhưng cá nhân nhập về hoặc là tổ chức kinh tế nhập về để kinh doanh thì đương nhiên phải chịu thuế.

Về mức thuế VAT áp dụng đối với phân bón có nhiều quan điểm, trong đó có đại biểu cho rằng không nên buộc phân bón phải chịu thuế VAT, nhưng cũng có quan điểm cho rằng nhóm này chịu thuế 5% sẽ có lợi hơn. Ông Phớc dẫn giải, từ khi làm Luật Thuế VAT từ năm 2008 cho đến năm 2013-2014 chúng ta đã từng đưa thuế vào rồi từng bỏ thuế ra đối với phân bón, bây giờ lại đưa vào.

"Chúng tôi sẽ đánh giá lại tác động một lần nữa để trình với Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay", ông Phớc nói.

Tuy nhiên, dưới góc độ của cơ quan tham mưu chính sách cho Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu quan điểm, hiện nay sản lượng phân bón sản xuất trong nước là 73,3%, còn nhập khẩu là 26,7% (tức là khoảng 4 triệu tấn/năm), cho nên quy định áp thuế VAT 5% cho phân bón sẽ không gây mất bình đẳng đối với các doanh nghiệp nhập khẩu.

Bên cạnh, xét về tác động đến doanh nghiệp thì việc cho phép doanh nghiệp phân bón chịu thuế VAT 5% và được hoàn thuế sẽ tạo ra một nguồn lực cho doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm và phát triển một cách bền vững.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) chiều 24/6

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) chiều 24/6

Bộ trưởng tính toán, nếu hoàn thuế cho doanh nghiệp 1.500 tỷ đồng/năm thì phần tăng thu 4.200 tỷ đồng/năm từ 5% VAT thu của nhóm doanh nghiệp phân bón sẽ tác động đến 9,1 triệu hộ nông dân, theo đó mỗi hộ nông dân một năm trả thêm 461.000 đồng, mỗi tháng trả thêm 38.000 đồng.

Nông nghiệp cũng không hẳn vì doanh nghiệp phân bón chịu 5% thuế VAT mà bị tác động bởi tác động đến giá bán phân bón còn có quy luật cung - cầu, nếu như nguồn cung tăng lên thì giá sẽ hạ, nguồn cung thấp thì giá sẽ cao.

"Vấn đề này chúng tôi sẽ xin ý kiến của các hội cũng như đại biểu Quốc hội một lần nữa và sẽ tiếp thu vào cuối kỳ", ông Phớc nói.

Về vấn đề thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ: Hiện nay, hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ đang được miễn thuế VAT và thuế nhập khẩu, thực hiện theo Quyết định 78/2010 của Thủ tướng Chính phủ (ban hành theo Hiệp định Kyoto mà Việt Nam đã cam kết).

Tuy nhiên, hiện nay các nước trên thế giới cũng đã thay đổi quy định này, ví dụ như thuế này tại EU là dưới 22 euro, ở Anh là 135 bảng Anh, Thái Lan hiện nay là 7%. "Trong dự thảo Luật, chúng tôi vẫn thu thuế đối với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ để đại biểu Quốc hội yên tâm", Bộ trưởng thông tin.

Về chính sách tài khóa mở rộng, Bộ trưởng Tài chính nhận định, hết năm nay chúng ta cũng nên hoàn thành chính sách tài khóa mở rộng để tập trung vào tài khoản thắt chặt, bởi vì xu thế của thế giới hiện nay là tập trung để nâng cao sức mạnh của tài chính công, đảm bảo trang trải cho xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, vấn đề an sinh xã hội và các vấn đề khác. Mà muốn thúc đẩy kinh tế phát triển thì thuế suất phải tăng lên.

Tin bài liên quan